Sau giãn cách xã hội, thị trường khách sạn, lưu trú ngự trên "đất vàng" phố cổ Hà Nội hầu như vẫn đóng băng. Trong số phần lớn khách sạn tại đây vẫn đang đóng cửa, mỏi mòn chờ khách du lịch thì một số nơi đã tìm cách xoay sở bằng nhiều cách khác nhau.
Mấy ngày nay, khu vực sảnh lễ tân rộng khoảng hơn 20m2 của một khách sạn trên phố Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) trở thành một gian hàng trưng bày và bán sản phẩm bỉm trẻ em.
Ông chủ tại đây cho biết, khách sạn đã không có khách lưu trú từ trước thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội. Vậy nên sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, gia đình ông đã tìm cách tận dụng mặt bằng sẵn có để kiếm thêm thu nhập. “Vì chưa biết đến khi nào có mới có thể mở cửa trở lại nên cô con gái lớn trong nhà đã nhập số lượng lớn bỉm trẻ em về để kinh doanh, buôn bán”, ông chia sẻ.
Tận dụng khoảng trống rộng rãi trước sảnh lễ tân, chủ khách sạn này đã dựng lên 6 chiếc kệ sắt 4 tầng để trưng bày “mặt hàng chiến lược". Ông cho biết mặt hàng này mới được bày bán tại đây được khoảng vài ngày nên chưa thể đánh giá được hiệu quả ra sao. Mặc dù vậy, ông và cả gia đình hy vọng là sẽ bán tốt vì đây hiện đang là cách duy nhất để khách sạn kiếm ra tiền.
Từ khi hết giãn cách xã hội, anh Nguyễn Chí Công (32 tuổi) - ông chủ khách sạn Hoàn Kiếm Lake trên phố Hàng Trống (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) bận luôn chân luôn tay từ sáng đến tối. Không phải bận đón khách, phục vụ khách lưu trú mà bận chuẩn bị những xuất cơm thố phục vụ khách đặt mua online.
Anh Công cho biết, để khách sạn có thể tồn tại, anh lập tức đẩy mạnh việc bán hàng online qua các ứng dụng đặt đồ ăn mang về ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách. Khách sạn này trước đó sở hữu loại hình kinh doanh hỗn hợp gồm dịch vụ lưu trú và đồ ăn truyền thống việt với mặt hàng chính là cơm thố.
Được biết, hầu hết các nhân viên tại khách sạn này đều bị kẹt lại tại Hà Nội trong đợt giãn cách kéo dài 2 tháng. Tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, anh Công đã đẩy mạnh việc bán đồ ăn mang về thông qua các nền tảng ứng dụng đặt đồ ăn online. Cũng nhờ thế mà toàn bộ nhân viên có công ăn việc làm, khách sạn có nguồn thu giữa đại dịch COVID-19.
“Mình cũng còn may hơn nhiều khách sạn khác vì có sẵn nhân lực, thêm vào đó là nhân viên đều đã quen thuộc với việc phục vụ ăn uống. Do đó, việc thích nghi với dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng diễn ra nhanh chóng và thuận lợi", anh Công chia sẻ.
Được biết, hoạt động kinh doanh này mang lại một khoản thu nhập vừa có thể nuôi sống nhân viên và thêm vào một phần trả tiền mặt bằng.
“Dù không nhiều nhưng cũng có thêm một khoản mỗi tháng để trả cho chủ mặt bằng. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, họ cũng bớt tiền nhà và hỗ trợ khách sạn của mình rất nhiều. Do đó, việc bán đồ mang về có hiệu quả mình cũng lập tức trích ra một phần để trả tiền mặt bằng. Dịch bệnh thế này, mỗi người hỗ trợ nhau một tí", anh Công chia sẻ
Cũng theo anh Công, lượng đơn đặt hàng online cũng rất khả quan và đem lại nhiều hy vọng. “Hôm nào tốt thì cũng bán được 100 đơn/ngày”, anh vui vẻ cho biết.
Mặc dù vậy, anh Công khẳng định đây chỉ là một giải pháp nhất thời vì nó phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Anh vẫn mong mỏi từng ngày đến lúc dịch bệnh qua đi, phố cổ Hà Nội lại được đón khách du lịch và anh lại được quay trở lại với nghề chính của mình là kinh doanh khách sạn.
Còn chị Hường, quản lý tại một khách sạn nằm trên phố Mã Mây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) thì lại chọn một cách đơn giản hơn. Tận dụng mặt tiền đẹp của khách sạn, chị bày bán hoa quả cùng các loại nước ép để kiếm thêm thu nhập.
Chị cho biết, hiện tại chị đang phải phải trông nom khách sạn 24/24h. Thu nhập thì bị giảm đi 70% trong khi chị đang phải nuôi hai con nhỏ, cháu lớn thì đang học lớp 5 còn cháu nhỏ thì đang tuổi vào mẫu giáo lớn.
“Bán nước ép trái cây, hoa quả như thế này dù chẳng đáng là bao nhưng cũng gọi là có đồng ra đồng vào, cũng giúp tôi có thêm đồng quà đồng bánh cho các cháu", chị Hường chia sẻ.
Trong khi đó, hàng loạt các khách sạn lớn, nhỏ tại các tuyến phố cổ Hà Nội hiện vẫn đang đóng cửa im lìm. Một số khách sạn treo biển sang nhượng, cho thuê từ trước thời điểm Hà Nội giãn cách cho đến nay vẫn chưa tìm được chủ mới.
Chủ một khách sạn cho rằng, với diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, nhanh nhất thì cũng phải hơn 1 năm nữa thì kinh tế mới phục hồi, ngành nghề kinh doanh khách sạn, lưu trú mới có cơ hội vực dậy. “Dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, do đó thời điểm mà Hà Nội tấp nập khách du lịch ngoại quốc có thể sẽ còn rất lâu nữa", người này nhận định.
Bình luận