Trả lời VTC News sáng 15/12, đại diện Công ty CP May Lê Trực - chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực - cho biết, đã đề ra 3 phương án giải quyết cho khách mua nhà ở 2 tầng đã bị tháo dỡ, người mua có thể chọn 1 trong 3 phương án sau:
Chọn 1 căn hộ khác trong quỹ căn hộ còn lại tại dự án. Hiện nhiều khách hàng đang được đổi căn từ tầng 18, 19 xuống quỹ căn tại tầng 12, 13, 14, 15.
Nhận căn hộ ở dự án khác của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư hoàn tiền theo hợp đồng đã ký cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện phương án này chưa có khách hàng nào lựa chọn.
Sau thời gian dài cưỡng chế, UBND quận Ba Đình, Hà Nội đã bàn giao tòa nhà 8B Lê Trực cho doanh nghiệp (từ ngày 10/12). Ngay khi tiếp nhận, chủ đầu tư đã tập trung nguồn lực để thu dọn mặt bằng, hoàn thiện dự án.
"Sau đó, chúng tôi sẽ làm việc với nhà thầu để hoàn thành các hạng mục còn lại, cố gắng bàn giao căn hộ cho người mua trước Tết Nguyên đán 2021", vị này nói.
Được biết, hiện các căn hộ đã sẵn sàng đón người về ở, các hạng mục công việc còn lại chỉ là hoàn thiện phần tầng 1, cây xanh và vỉa hè.
UBND quận Ba Đình trước đó hoàn thành bàn giao tòa nhà 8B Lê Trực cho CTCP May Lê Trực. Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình - cho biết, sau khi hoàn thành tháo dỡ các hạng mục sai phạm tại tầng 18 và 19 của tòa nhà, công trình còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m, so với giấy phép xây dựng vẫn cao hơn 5,5 m; diện tích sàn tăng 2.800 m2.
Dự án 8B Lê Trực được khởi công xây dựng từ năm 2010, hồ sơ thiết kế cơ sở được Sở Xây dựng quy định với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình 69,1m.
Tuy nhiên, dự án mãi đến năm 2014 mới được Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp giấy phép xây dựng, đáng nói giấy phép xây dựng này lại không đồng nhất với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cấp ban đầu, dự án chỉ có 18 tầng, chiều cao công trình chỉ còn 53m.
Không chỉ thế, bất cập còn xảy ra ở chỗ, theo giấy phép xây dựng trên, công trình có bình quân các tầng 2,94m, chiều cao thông thủy sau khi trừ đi độ dày sàn bê tông, hệ thống điện, điều hòa, phòng cháy chỉ còn khoảng 2,09m.
Bên cạnh đó, về phía các tầng thương mại, giấy phép được cấp chỉ có trung bình 2,6m/tầng, trong khi theo quy định, chiều cao tối thiểu phải đáp ứng là 4,5m. Có thể thấy, với giấy phép xây dựng trên, thật khó để chủ đầu tư đáp ứng được chất lượng công trình, bởi dù xây xong cũng khó lòng đưa vào vận hành mà các tầng có chiều cao trần chỉ nhỉnh hơn 2m.
Tháng 9/2015, Hà Nội thanh tra dự án 8B Lê Trực sau khi Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng của dự án. Tháng 11/2015 chính quyền đã cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm.
Tròn 5 năm ròng rã cùng những lần bị đưa ra để tìm phương án giải quyết, không ít lần chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đề nghị được tự khắc phục phần vi phạm để giảm thiệt hại tài sản, tránh mâu thuẫn với người mua nhà.
Bình luận