• Zalo

Khách hàng Cocobay đề xuất phương án giải quyết mới để tự 'cứu' mình

Kinh tếThứ Bảy, 07/12/2019 13:39:00 +07:00Google News

Không đồng tình với những phương án chủ đầu tư đưa ra, nhiều khách hàng mua dự án Cocobay Đà Nẵng đã đề xuất giải pháp khác.

Sự bức xúc, tranh luận của nhà đầu tư - những người đã mua dự án condotel Cocobay Đà Nẵng - với chủ đầu tư của dự án đến giờ vẫn chưa đi đến hồi kết do chưa có được sự thống nhất cuối cùng. Theo ông Nguyễn Hải Long, một trong những đại diện cho nhóm khách hàng, CTCP Thành Đô đơn phương đưa ra các giải pháp thì chủ sở hữu cũng có quyền đề xuất các giải pháp của họ.

Các nhà đầu tư cho rằng, tất cả giải pháp Thành Đô đưa ra đều phá vỡ các cam kết đã ký, do đó, trước những giải pháp công ty này đưa ra, chủ sở hữu cần cân nhắc kỹ lưỡng xem có thể chấp nhận rủi ro tiếp theo đến đâu đối với từng trường hợp cụ thể.

Khi Thành Đô đơn phương chấm dứt các cam kết tại hợp đồng mua bán (HĐMB), chủ sở hữu có quyền yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng (từ 8% - 20% tùy theo từng HĐMB). Tiền phạt vi phạm HĐMB không nhất thiết phải trả bằng tiền, có thể dùng để khấu trừ các khoản phí cho phương án thanh lý, hoặc phí sử dụng các tiện ích chung cho phương án tự kinh doanh, hoặc phí chuyển đổi sang chung cư, với phương án tiếp tục giao cho Thành Đô vận hành thì có thể cộng dần vào thu nhập của các năm tiếp theo. Phương án này sẽ giảm gánh nặng tiền mặt cho Thành Đô.

3633_5905_cocobay-1574844441

Nhiều khách hàng đề nghị phương án xử lý mới sau khi Cocobay vỡ trận. 

Một nhóm các chủ sở hữu cũng đề xuất giải pháp trả nợ bằng đất hoặc nhà thuộc sở hữu của Thành Đô tại Cocobay. Nhóm này sẽ là các chủ sở hữu muốn giữ nhà lại để tự doanh nhưng đồng ý thanh lý HĐMB với Thành Đô sau khi đã nhận được sổ đỏ căn nhà/căn hộ của mình.

Cụ thể, các chủ sở hữu nhóm này sẽ gom nhau lại để tính tổng khoản thu nhập cam kết mà Thành Đô phải trả cho toàn bộ thời gian cam kết còn lại, có thể chiết khấu dòng tiền quy về hiện tại...

Nếu CTCP Thành Đô đồng ý thương thảo và Ngân hàng SHB chấp thuận thì nhà đầu tư sẽ đàm phán với Thành Đô về giá cả, phương thức chuyển giao và các vấn đề pháp lý liên quan. Giao dịch sẽ sử dụng đơn vị thẩm định giá độc lập, được Ngân hàng SHB chấp thuận để đánh giá khách quan tài sản mà Thành Đô có thể chấp nhận quy đổi. Sau khi thống nhất được với Thành Đô, nhóm sẽ tìm đối tác chuyển nhượng tài sản này và căn cứ vào giá bán thực tế để chia lại cho các thành viên tham gia theo tỷ lệ đóng góp thu nhập cam kết ban đầu. Với các chủ sở hữu vay tiền Ngân hàng SHB, số tiền thu được sẽ được cấn trừ vào khoản nợ mà họ vay tại SHB”, ông Long nói.

Theo ông Long, giải pháp này sẽ giải quyết toàn bộ khúc mắc về luồng tiền của Thành Đô, gánh nặng vay nợ của chủ sở hữu, đồng thời Ngân hàng SHB cũng tránh được rủi ro do phát sinh nợ quá hạn tăng cao với hàng ngàn khoản vay không có khả năng trả tại dự án.

Sau khi dự án Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận", CĐT Thành Đô đưa ra thông báo ngừng chi trả thu nhập cam kết, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án này đã rất bức xúc trước những phương án mà Thành Đô đưa ra nhằm xử lý vụ việc, phần lớn cho rằng quá mập mờ và bất lợi cho khách hàng.

Theo đó, Công ty Thành Đô đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại Cocobay Đà Nẵng như sau:

Thứ nhất là khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.

Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.

Thứ hai, Công Thành Đô gợi ý khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.

Giải pháp thứ ba là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, khấu một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh…và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Công Thành Đô. Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10%/năm đối với số tiền đó.

Tuy nhiên, nhận xét về những giải pháp này, không chỉ nhà đầu tư mà cả giới chuyên gia cũng cho rằng bất cập và thiếu tính khả thi.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn