Nhà hàng Nhật Bản của Zhu Hongmei ở trung tâm thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã kinh doanh nhộn nhịp kể từ đầu tháng 8, nhưng những ngày gần đây cô lại cau mày nhiều hơn là mỉm cười.
“Việc kinh doanh đang cực kỳ tốt, nhưng đó là vì khách hàng muốn ăn ‘lần cuối cùng’. Mọi người lo ngại sắp tới có thể không được thưởng thức ẩm thực Nhật Bản an toàn nữa”, Zhu nói và bày tỏ sự lo ngại cho tương lai nhà hàng của mình.
Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản (bao gồm cả thủy sản không ảnh hưởng) có nguồn gốc từ Nhật Bản, chỉ 1 giờ sau khi Nhật Bản chính thức bắt đầu xả nước nhiễm hạt nhân từ nhà máy điện Fukushima bị hư hỏng ra biển hôm 24/8.
Một mô phỏng do Đại học Thanh Hoa thực hiện cho thấy, nước thải bị ô nhiễm sẽ đến vùng nước ven biển của Trung Quốc sau 240 ngày kể từ khi xả thải. Nó sẽ đến bờ biển Bắc Mỹ sau 1.200 ngày và bao phủ gần như toàn bộ Bắc Thái Bình Dương.
Việc xả thải đã làm tăng thêm mối lo ngại của người dân nhiều nước về việc ăn thủy sản từ Nhật Bản, trong đó có cả người Nhật. Theo báo cáo từ nhiều cơ quan truyền thông Nhật Bản như Mainichi Shimbun và Sankei Shimbun, nhiều ngành thủy sản và chế biến cá ở Nhật Bản cũng cho biết rằng người tiêu dùng địa phương đã ngừng mua thủy sản sản xuất trong nước.
Hầu hết các nhà hàng phục vụ món ăn Nhật Bản ở Trung Quốc đều cảm nhận được những tác động từ sự kiện Fukushima.
Tại Thượng Hải, nơi ước tính có khoảng 1.500 nhà hàng phục vụ ẩm thực Nhật Bản, các chủ kinh doanh đã vội vàng xóa một số từ nhất định khỏi các ấn phẩm quảng cáo của họ để tránh rủi ro. Hiện nay hầu hết đều nói rằng họ nhập nguyên liệu từ những nơi khác thay vì Nhật Bản.
“Việc tránh nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản không phải là điều khó khăn đối với chúng tôi. Hầu hết nguyên liệu của chúng tôi luôn đến từ Canada, New Zealand và Australia. Tuy nhiên, từ 'Nhật Bản' có thể sẽ gây ảnh hưởng. Mặc dù tác động đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi hiện tại không đáng kể nhưng dự kiến nó sẽ tồi tệ hơn trong tương lai. Dần dần, khách hàng sẽ tránh xa ẩm thực và hải sản Nhật Bản”, Shen Zhansheng, người điều hành một nhà hàng Nhật Bản ở Thượng Hải, cho hay.
Wang Shenshen, một hướng dẫn viên du lịch ở Thượng Hải yêu thích ẩm thực Nhật Bản, cho biết cô sẽ cố gắng tránh ăn đồ ăn Nhật trong tương lai. Trong khi đó, Qi Qi, một giám đốc tài chính ở độ tuổi 30 cũng đến từ Thượng Hải, nói rằng cô sẽ tiếp tục ăn đồ ăn Nhật miễn là hải sản được đảm bảo an toàn.
Những người trong cuộc cho biết, mặc dù doanh số bán hải sản đến nay không bị ảnh hưởng đáng kể nhưng với sự lây lan của nước bị ô nhiễm, dự kiến người tiêu dùng sẽ có yêu cầu cao hơn về an toàn hải sản trong tương lai.
Tại cảng cá quốc tế Hengsha trên đảo Trường Hưng, nơi một lượng lớn hải sản nhập khẩu và nội địa chuyển vào các siêu thị trên khắp Thượng Hải mỗi ngày, một hệ thống truy xuất nguồn gốc hoàn thiện đã được thiết lập cho thủy sản nhập khẩu.
“Để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, cảng cá đang có kế hoạch bổ sung bức xạ hạt nhân vào danh sách các chất gây ô nhiễm trong quy trình kiểm tra hàng hóa. Danh sách này bao gồm vi khuẩn và kim loại nặng, cùng nhiều loại khác”, Yao Zhijun, trợ lý của Chủ tịch Cảng cá đảo Trường Hưng, cho hay.
Hôm 24/8, Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý qua một cống ngầm dài khoảng một km ra Thái Bình Dương. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023, với khoảng 31.200 tấn nước chứa tritium sẽ được đổ ra biển.
Nhật Bản và các Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định kế hoạch xả thải an toàn và nồng độ tritium trong nước thải không gây hại cho con người. Ngày 25/8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, thông báo mẫu nước biển ở ngưỡng an toàn, có nồng độ tritium dưới 1.500 bq/l (becquerel/lít). TEPCO cho biết tiếp tục phân tích mẫu nước hàng ngày trong một tháng tới.
Dù vậy, việc xả thải Fukushima vẫn vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia và các nước láng giềng, cho rằng kế hoạch còn rủi ro.
Bình luận