• Zalo

Khác biệt giữa chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm

Tài chínhThứ Sáu, 15/12/2023 09:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nếu như chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp thì sổ tiết kiệm có tính thanh khoản cao.

Ngoài đầu tư chứng khoán, mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi cũng là một trong những hình thức đầu tư sinh lời đang được nhiều người lựa chọn. Vậy chứng chỉ tiền gửi là gì? Đâu là sự khác biệt giữa chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm?

Chứng chỉ tiền gửi là gì?

Chứng chỉ tiền gửi (tên Quốc tế Certificate of Deposit) là một loại giấy tờ có giá được phát hành bởi tổ chức hoặc ngân hàng nước ngoài. Chứng chỉ tiền gửi xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành đối với người mua trong thời hạn nhất định với các điều kiện đi kèm.

Hiểu một cách đơn giản, chứng chỉ tiền gửi như một sổ tiết kiệm gửi vào ngân hàng. Số tiền khách hàng gửi vào được để trong một thời gian nhất định. Ngân hàng sẽ trả lãi suất định kỳ cho số tiền gửi đó.

Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn các hình thức tiết kiệm thông thường. Tuy nhiên, người mua chứng chỉ tiền gửi không được phép tất toán trước khi hết hạn. Nếu có nhu cầu rút tiền gấp, người sở hữu có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sự khác biệt giữa chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm

Chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm đều là các sản phẩm tài chính được cung cấp bởi các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, cả hai loại đều có những điểm khác biệt:

Về thời hạn: Chứng chỉ tiền gửi có thời hạn gửi tiền nhất định và kỳ hạn dài hay trung hạn: 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng. Trong khi đó, thời hạn sổ tiết kiệm linh hoạt hơn như: Thời hạn ngắn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng; Thời hạn dài từ 12 tháng, 36 tháng...

Lãi suất: Lãi suất chứng chỉ tiền gửi thường khá cao và ổn định. Lãi suất sổ tiết kiệm thường thấp hơn.

Tính thanh khoản: Chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp. Khách hàng cần cam kết gửi tiền trong thời gian nhất định để nhận lợi suất cao. Nếu muốn rút tiền hoặc tất toán trước hạn, người gửi phải cam kết đã qua nửa kỳ hạn (tùy theo quy định của mỗi ngân hàng). Trái lại, sổ tiết kiệm có tính thanh khoản cao. Người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ lúc nào nhưng phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn khá thấp (dưới 1%/năm).

Như vậy, có thể thấy chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm phù hợp với từng nhu cầu, điều kiện khác nhau. Để hạn chế rủi ro, khách hàng có thể chia số tiền tiết kiệm thành hai khoản: vừa mua chứng chỉ tiền gửi vừa gửi tiết kiệm.

Bằng Lăng(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn