Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thông báo trên các trang chính thức, kêu gọi người dân "tôn trọng cán bộ y tế, tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ y tế... Nếu vi phạm sẽ bị mời ra khỏi bệnh viện".
Chiều 18/7, thông tin với PV VTC News, ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông báo trên nằm trong phong trào thi đua thực hiện “Nói không với phong bì” vừa được bệnh viện phát động.
Theo ông Thanh, giám đốc bệnh viện ký cam kết với các trưởng khoa, phòng và các trưởng khoa, phòng ký cam kết với cán bộ, nhân viên y tế… trong đó sẽ có chế tài khen thưởng, kỷ luật nếu để xảy ra vi phạm.
"Phong trào này sẽ được duy trì thường xuyên, được nhắc nhở trong giao ban buổi sáng, các cuộc họp… chứ không phải phát động phong trào cho vui, cho hay. Trong đó phải có nhiều giải pháp để tránh từ tiêu cực này chuyển sang tiêu cực khác", ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho biết, bệnh viện thường xuyên thông báo tới người dân đến khám bệnh bằng loa; dán ma-két tại các phòng, khoa; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về phong trào “Nói không với phong bì” để người dân đến khám bệnh được biết.
"Chúng tôi công khai số điện thoại của lãnh đạo trực 24/24h. Nếu có phản ánh của người dân về việc cán bộ y tế gây phiền hà, sách nhiễu, trì hoãn, không cấp cứu, điều trị người bệnh ngay thì lập tức lãnh đạo sẽ có mặt, trực tiếp xử lý, giải quyết.
Nếu có tiêu cực như phản ánh sẽ lập biên bản luôn, sau đó sẽ họp hội đồng kỷ luật, tùy từng mức độ vi phạm sẽ bị xử lý từ khiển trách, cảnh cáo, cắt thưởng từ 1- 3 tháng hoặc buộc thôi việc", ông Thanh khẳng định.
Trả lời câu hỏi của PV về trường hợp cán bộ y tế nhận phong bì, quà của người bệnh ở bên ngoài bệnh viện, ông Thanh cho biết: "Trong bệnh viện thì tuyệt đối không được phép nhận quà cảm ơn, nhưng người bệnh đến nhà riêng bác sĩ cảm ơn thì rất khó quản lý".
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, trước kia có xảy ra tình trạng nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh nên bệnh viện quyết định tổ chức phong trào này.
"Phong trào này sẽ động chạm tới một số cán bộ trước kia hay nhận phong bì. Phong bì làm mất tư cách, đạo đức của nghề y. Vì vậy, phong trào muốn đạt hiệu quả cao thì đời sống cán bộ phải được đảm bảo, như thế họ sẽ không còn suy nghĩ tiêu cực", ông Thanh nói.
Giám đốc Phạm Quang Thanh cho rằng, để thực hiện tốt phong trào "Nói không với phong bì" cần phải đảm bảo được đời sống cán bộ, nhân viên y tế để họ toàn tâm toàn ý với bệnh viện, với người bệnh, hết sức mình với người bệnh.
"Nếu họ khó khăn quá, đi làm ngày 8 tiếng, trực 24 giờ mà phải lo nghĩ xem hôm nay có tiền để mua gạo, mua thịt không, có tiền đóng học phí cho con không thì không thể được.
Mình phải hạn chế mức tối đa việc nhận phong bì, khi họ đã có tiền thưởng, thu nhập rồi, đáp ứng được đời sống rồi thì họ sẽ không còn phải nhận phong bì.
Nếu nói cứ phát động phong trào mà mình không kiểm tra, giám sát, không có chế tài và không nâng cao đời sống cán bộ thì khó thành công".
Ông Thanh chia sẻ, hiện thu nhập bình quân của cán bộ bệnh viện là hơn 10 triệu đồng/người, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 nhân viên y tế được thưởng 10 triệu, Tết có thể thưởng lên tới 40-50 triệu đồng.
Sắp tới bệnh viện sẽ họp để xem xét, điều chỉnh mức thưởng cho cán bộ, đặc biệt những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chuyên khoa sâu thì sẽ có mức khuyến khích khen thưởng riêng để họ toàn tâm, toàn ý, nâng cao tinh thần trách nhiệm.
"Bệnh viện tự chủ kinh tế từ năm 2016, tự thu tự chi. Quan trọng nhất là thái độ khám, chữa bệnh và y đức thì người bệnh mới đến sử dụng dịch vụ của bệnh viện, đồng nghĩa với việc bệnh viện mới có nguồn thu", người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Bình luận