Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về việc kết thúc tìm kiếm nạn nhân mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu.
UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tháo dỡ, trục vớt phần còn lại của giàn cầu N7; tháo dỡ, trục vớt giàn cầu N6 và các phương tiện đang chìm dưới sông, đưa lên vị trí tập kết trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn; phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn 249, huyện Lâm Thao và huyện Tam Nông duy trì hoạt động của cầu phao, phà Phong Châu.
UBND huyện Lâm Thao và Tam Nông phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn Công binh 249 bảo đảm an ninh, an toàn khu vực cầu phao, phà Phong Châu; bảo đảm điều kiện cho Lữ đoàn Công binh 249 giúp tỉnh tiếp tục bảo đảm cầu phao, phà phục vụ nhân dân đi lại, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Phú Thọ đã có văn bản đề nghị kết thúc tìm kiếm nạn nhân mất tích tại cầu Phong Châu với lý do, khu vực cầu Phong Châu có khối lượng bùn, cát, rác lớn, nước chảy xiết, tầm nhìn hạn chế bởi nước sông đục, phù sa bồi đắp nhiều nên việc tìm kiếm người mất tích khó khăn, không có hiệu quả.
Sự cố sập cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao) xảy ra khoảng 10h ngày 9/9 đã cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc huyện Tam Nông).
Sơ bộ ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang đi trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích (trong đó đã tìm thấy 4 nạn nhân). Số nạn nhân còn lại chưa được tìm thấy.
Bình luận