Tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện đã có kết quả sơ tuyển thầu đường bộ cao tốc Bắc-Nam nhưng đây là tài liệu mật, không thể công bố.
“Tuyên bố” của đại diện Bộ GTVT đã làm dấy lên những tranh cãi về việc nên hay không đóng dấu tài liệu mật đối với kết quả sơ tuyển nhà thầu đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khi một dự án được đưa ra đấu thầu công khai thì chủ đầu tư phải đưa ra tất cả các tiêu chí để đấu thầu, từ đó các nhà thầu nộp hồ sơ để dự thầu. Tuy nhiên, trong thời gian doanh nghiệp nộp hồ sơ dự thầu thì chủ đầu tư phải giữ kín bí mật các thông tin liên quan đến người đấu thầu, chủ đầu tư… Việc “bảo mật thông tin” nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư với người dự thầu đi “cửa sau” với nhau khiến dự án rơi vào tình trạng tiêu cực.
Tuy nhiên, theo TS Hiếu, khi đã có kết quả, dù là kết quả sơ tuyển ban đầu thì cũng nên công khai tên của doanh nghiệp trúng thầu.
Chuyên gia cũng cho rằng, khả năng nhà thầu Trung Quốc có mặt trong dự án đường cao tốc Bắc – Nam là điều hoàn toàn có thể. “Nếu họ đạt được các tiêu chí mà Bộ GTVT đưa ra thì việc trúng thầu là đương nhiên. “Chúng ta vẫn phải đảm bảo sự công bằng với tất cả các nhà thầu trong hay ngoài nước”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, hiện nay, điểm mạnh của nhà thầu Trung Quốc là năng lực tài chính, kinh nghiệm dự án và các chuyên gia. Tuy nhiên, đối với những dự án mang tầm quốc gia như đường cao tốc, ngoài vai trò kết nối giao thông còn gắn liền với vấn đề an ninh nên cần có sự cân nhắc để doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng. “Nếu Chính phủ có thể tạo ra những chính sách nâng đỡ để có lợi cho doanh nghiệp nội thì đó cũng là điều cần thiết và nên làm”.
Dù đánh giá cao tiềm lực tài chính của các nhà thầu Trung Quốc nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu vẫn nhấn mạnh đến “tì vết” của những nhà thầu Trung Quốc khác trong các dự án đội vốn, chậm trễ, kéo dài hàng chục năm trời như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Nhà máy Gang thép Lào Cai, Bô-xit Tây Nguyên, ….
Theo ông Hiếu, dù không muốn định kiến với nhà thầu Trung Quốc nhưng với thực tế những gì từng diễn ra ở các dự án của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam, tâm lý lo ngại từ dư luận là điều hoàn toàn xác đáng.
Đối với các dự án tiếp theo, nếu có nhà thầu Trung Quốc tham gia, cần xem xét lại quy trình lựa chọn nhà thầu. Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về “lý lịch” của nhà thầu Trung Quốc trong đó có vấn đề tài chính, chuyên môn, lịch sử hoạt động, dự án nào thành công hay thất bại cũng cần phải được nắm hết để đưa vào hồ sơ chấm thầu. Công tác chấm thầu vừa phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch nhưng vẫn không để lọt những nhà thầu có lý lịch xấu, tránh nguy cơ đội vốn, chậm vốn tại các dự án công của Việt Nam”.
Trước đó, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Ban quản lý dự án đã mời thầu và nhận hồ sơ từ tháng 7/2019, hiện đã có hội đồng đánh giá và kết quả.
Nhưng theo quy định pháp luật, quy trình đánh giá, thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định đấu thầu là hồ sơ thuộc diện tài liệu mật, nên không thể cung cấp thông tin.
Với việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia, ông Đông cho biết, "trong các phân đoạn đầu tư sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo khai thác và xây dựng hiệu quả kết nối các tuyến đường có khả năng thu hồi vốn".
Theo quy định pháp luật, yêu cầu nhà đầu tư có vốn điều lệ ít nhất bằng 20% tổng mức đầu tư dự án, nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiềm lực, các dự án rơi vào tay đơn vị nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, "một số doanh nghiệp trong nước đã đủ tiềm lực, hoàn toàn có thể tham gia dự án".
Hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đang ở thầu đầu tư theo hình thức PPP 8 dự án thành phần gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Cao tốc Bắc - Nam còn có 3 dự án thành phần khác dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017 - 2020) dự kiến đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần như trên.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án khoảng 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Quốc hội đã yêu cầu các dự án cơ bản hoàn thành năm 2021.
Bình luận