• Zalo

Kết quả sốc khi mổ xác tên lửa Triều Tiên

Thế giớiChủ Nhật, 23/12/2012 05:55:00 +07:00Google News

Các chuyên gia Hàn Quốc kết luận rằng vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng trên thực tế là thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Sau khi thu thập các vỏ và mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên, các chuyên gia Hàn Quốc kết luận rằng vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng trên thực tế là thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).


Triều Tiên đã phóng tên lửa ba tầng Unha - 2 (Ngân Hà 3) vào ngày 12/12, đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh 3) lên quỹ đạo Trái đất thành công. Tầng thứ nhất của tên lửa này rơi xuống biển Hoàng Hải và tầng thứ hai rơi xuống biển gần Philippines.

Tên lửa Unha 3 của Triều Tiên 

Hai ngày sau vụ phóng, Hải quân Hàn Quốc đã vớt được một ống trụ dài 7,6m, đường kính rộng 2,4m. Đây được cho là phần trên của tầng thứ nhất của tên lửa.

Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia Hàn Quốc kết luận đây là thùng chứa nhiên liệu đẩy ở tầng thứ nhất của tên lửa. Nhiên liệu này là acid nitric đỏ dễ bay hơi, ít được sử dụng ở các nước có công nghệ không gian tiên tiến.

Hàn Quốc trục vớt thân tên lửa Triều Tiên 

"Acid nitric đỏ dễ bay hơi được sử dụng trong phát triển tên lửa từ thời Liên Xô. Bởi vì họ sử dụng loại nhiên liệu này như một chất ôxy hóa, có thể lưu trữ lâu dài trong điều kiện nhiệt độ thường nên nhóm nghiên cứu kết luận rằng (tên lửa) này có mục đích nhằm thử nghiệm công nghệ ICBM chứ không phải là phát triển một thiết bị phóng không gian" - tờ Yonhap trích lời một nguồn tin giấu tên trong nhóm nghiên cứu của Hàn Quốc.

Trong thùng nhiên liệu có bốn lỗ thủng lớn ở dưới đáy, các nhà phân tích nói rằng các lỗ này được sử dụng để cung cấp chất ôxy hóa cho thùng nhiên liệu.

Thông thường, các chất ôxy hóa được nạp trong một thùng khác và phát ra với một lượng thích hợp tương đương với nhiên liệu khi tên lửa được phát hỏa.

Các nhà phân tích cũng cho biết Triều Tiên đã sử dụng công nghệ tên lửa Scud và Nodong để phát triển loại tên lửa Unha 3, nhờ đó mỗi tầng tên lửa đã phân tách thành công.

"Tên lửa sử dụng bốn động cơ tên lửa Nodong cho tầng đẩy thứ nhất, và tận dụng động cơ tên lửa Scud để đẩy tầng thứ hai nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí" - chuyên gia Hàn Quốc phân tích.

 
Các chuyên gia Hàn Quốc đã mô phỏng tên lửa tương tự mà Triều Tiên phóng đi, và nhận định rằng tên lửa này có thể chứa khoảng 48 tấn chất ôxy hóa, và nhiên liệu đẩy có thể mang theo 500kg đầu đạn và bay một chặng đường dài tới 10.000km. Với tầm bay này, tên lửa Triều Tiên hoàn toàn có thể 'đặt chân' tới khu vực phía tây nước Mỹ.

Bản thân tên lửa được sản xuất từ hợp kim nhôm và magie, AIMg6 và trang bị camera giám sát động cơ, động cơ đẩy và các đường ống dẫn nhiên liệu.

"Mặc dù nhiều người tin rằng Triều Tiên sản xuất nên loại hợp kim này, vẫn có khả năng nước này đã nhập khẩu chúng từ bên ngoài" - nhóm nghiên cứu của Hàn Quốc nhận định.

Các vết hàn và bề mặt gồ ghề của tên lửa cho thấy Triều Tiên dường như không đạt được bước tiến nào trong lĩnh vực này.


Một số thành phần của tên lửa như một loại thiết bị cảm biến và dây điện được xác định là nhập ngoại, nhưng nhóm nghiên cứu Hàn Quốc cho biết là không có vật liệu ngoại nhập nào vi phạm bản hướng dẫn về giới hạn các hệ thống được vận chuyển hoặc xuất khẩu liên quan tới công nghệ tên lửa đạn đạo cho các quốc gia bị cấm vận (MTCR).

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu tên lửa này có khả năng quay vòng trở về Trái đất để đánh trúng mục tiêu tầm xa hay không vì các nhà khoa học Hàn Quốc chưa có thông tin về tầng thứ hai và thứ ba của tên lửa. Đây là một yếu tố then chốt trong công nghệ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Sau vụ phóng vệ tinh, Triều Tiên nói rằng vệ tinh Kwangmyongsong-3 hoạt động trên quỹ đạo bình thường, nhưng các quan chức Seoul tin rằng Bình Nhưỡng đã mất liên lạc với vệ tinh này vì tên lửa này có vẻ như đang trong điều kiện không ổn định.



Theo VietNamNet
Bình luận
vtcnews.vn