Theo thống kê, trong quý I/2019, mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành đạt khoảng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Sacombank đột biến với mức tăng 110%, những ngân hàng còn lại đều đạt được kết quả kinh doanh khả quan.
Vietcombank vẫn là điển hình của hệ thống khi đạt kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận quý I hợp nhất tăng 34,8% so với cùng kỳ 2018, đạt 5.878 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ có lãi 5.751 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng này đã phản ánh vào thị giá cổ phiếu khi đa số các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên cả ba sàn giao dịch đều tiếp tục giữ xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2019.
Trong đó nhiều mã tăng tốt như VCB (Viecombank) tăng 35,4%, EIB (Eximbank) tăng 28,8%, MBB (MB) tăng 11,7%. Trong nhóm tăng cũng có HDB (HDBank), VPB (VPBank), ACB (ngân hàng Á Châu)…
Dù đạt mức tăng khá ấn tượng cùng với triển vọng phát triển ngành luôn được đánh giá cao nhưng với đặc tính phòng thủ cũng như tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành (free float) cao khiến cổ phiếu ngân hàng đang mất dần sức hấp dẫn với các nhà đầu tư giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng trên sàn hiện nay đang thiếu đi lực đẩy của dòng vốn ngoại do đã kín hoặc bị khóa room tỷ lệ sở hữu hay mức độ hở room không nhiều hấp dẫn.
Một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư "tâm tư" với cổ phiếu ngân hàng là các kế hoạch chào bán riêng lẻ, hoặc bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên với mức giá thấp cách biệt được các ngân hàng đồng loạt trình Đại hội cổ đông năm nay, đẩy giới đầu tư vào áp lực bị pha loãng.
Ngoài ra, một số ngân hàng vừa phát hành cổ phiếu cho nước ngoài với mức định giá cao đang phải điều chỉnh theo mặt bằng giá chung của thị trường chứng khoán, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng khác.
Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xếp vào nhóm cổ phiếu giá trị với tỷ lệ P/E ở mức thấp so với các nhóm cổ phiếu dạng tăng trưởng khác như dược, bất động sản, ô tô… nhưng chỉ khi thị trường tăng trưởng mạnh về điểm số, cổ phiếu ngân hàng mới hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong khi đó, diễn biến thị trường chung trong 5 tháng đầu năm diễn ra khá ảm đạm với điểm số sụt giảm, dòng tiền và thanh khoản cũng có dấu hiệu đi xuống. Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về sự phục hồi và sôi động trở lại của thị trường.
Dưới cái nhìn của chuyên gia, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng cho rằng, cơ hội đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhưng không phải là tất cả nên nếu để chọn ra những cái tên đáng để đầu tư thì vẫn là những cái tên quen thuộc như VCB, ACB, BID, MBB…
Là những cái tên quen thuộc bởi vốn dĩ cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ phù hợp với trường phái đầu tư giá trị với những kế hoạch và kỳ vọng trung, dài hạn.
Do đó, việc tạo nên một con sóng lớn trong thời gian tới đây đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ là khó nhưng để duy trì được mặt bằng giá ổn định là điều mà các chuyên gia có thể khẳng định với nhóm "cổ phiếu vua" một thời này.
Bình luận