• Zalo

Kẻ mua dâm 30.000 USD sao không bị công khai danh tính?

Ý kiếnThứ Ba, 14/07/2020 16:02:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc bỏ 30.000 USD cho một lần mua dâm cho thấy những kẻ đó bại hoại thế nào, tôi nghĩ cần công khai danh tính mới đủ ngăn chặn nạn mua bán dâm hoa khôi, người mẫu.

Dư luận đang sốc nặng trước việc công an phanh phui đường dây bán dâm bao gồm các người mẫu, hoa hậu, mức giá lên tới 30.000 USD, tương đương hơn 700 triệu đồng. Con số này bằng cả năm thu nhập của một gia đình mà vợ lẫn chồng đều có mức lương khá, có thể giúp hiện thực hóa giấc mơ có căn hộ chung cư của nhiều gia đình ở thành phố, hoặc giúp xây nhiều lớp học cho trẻ em vùng cao.

Choáng váng khi đọc tin, trong đầu tôi lập tức nảy ra câu hỏi: Kẻ nào có thể bỏ ra số tiền không tưởng như vậy? Chắc chắn họ phải rất giàu có, nhưng nếu làm giàu bằng mồ hôi nước mắt, công sức và trí tuệ của mình, không ai đổ chừng ấy tiền cho một lần mua dâm.

Người làm giàu chân chính nếu có thu nhập “kinh thiên động địa” như thế chắc chắn hiểu rõ giá trị đồng tiền và quý trọng công sức lao động của mình. Họ có thể chi tiền tỷ cho tình phí, nhưng là cho các mối quan hệ tình cảm, có yêu thương, say đắm chứ không phải loại giao dịch xác thịt mà cả hai bên đều xác định chỉ như mua bán mớ rau ngoài chợ, cho dù món hàng được dán nhãn người mẫu, hoa khôi.

Kẻ mua dâm 30.000 USD sao không bị công khai danh tính? - 1

Một trường hợp bán dâm bị công an phát hiện. (Ảnh: CACC)

Vậy nên, khách hàng mua dâm 30.000 USD trong đường dây do Lục Triều Vỹ điều hành nhiều khả năng là những kẻ làm giàu bất chính, đạo đức băng hoại. Chính vì tồn tại những kẻ xấu xa rửng mỡ, coi trời bằng vung này mà nạn người mẫu, hoa khôi bán dâm mới có cơ hội hoành hành, bởi có cầu mới có cung.

Vậy tại sao khi những đường dây tội lỗi này bị phanh phui, thông tin về kẻ mua dâm hoàn toàn bị giấu kín, đến cái tên viết tắt hay thông tin nghề nghiệp cũng không có, trong khi "bên bán" được cơ quan điều tra tiết lộ là người mẫu, hoa hậu và những chi tiết khác đủ để thiên hạ đoán già đoán non?

Thật ra câu hỏi này từng được nêu rất nhiều lần. Các luật sư cho biết hiện không văn bản nào cho phép công khai tên tuổi, hình ảnh cả người mua và bán dâm, bởi Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Đương nhiên, báo chí hay cơ quan điều tra đều phải tuân thủ pháp luật. Nhưng với vấn đề này, tôi cho rằng nên bàn lại để có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Mỗi công dân đều có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín,  tuy nhiên những kẻ mua dâm nghìn đô đó đã tự vứt bỏ, chà đạp nhân phẩm, uy tín của mình cơ mà. Sao chúng ta có thể bảo vệ thứ không còn tồn tại chứ? Nếu bị công khai danh tính khiến cho danh dự không còn thì họ là nạn nhân của chính họ chứ đâu phải của cá nhân hay tổ chức nào khác.

Còn việc bảo vệ đời sống riêng tư và bí mật cá nhân quả thật rất quan trọng, thậm chí là thiêng liêng. Tuy nhiên, nếu như việc giữ bí mật đó là tạo điều kiện cho người ta làm điều xấu, thúc đấy các hành vi phạm pháp, làm băng hoại đạo đức xã hội thì nên cân nhắc việc công khai tiết lộ. Ta hãy xét xem hành vi mua dâm gây hại gì cho xã hội: Thúc đẩy nhiều phụ nữ đi bán dâm (đồng nghĩa với việc nhân phẩm, tương lai bị hủy hoại), làm lây lan các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy nhiều người khác phạm tội hình sự (môi giới bán dâm), làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mình, làm nhục vợ con. Tôi thấy với chừng đó tội lỗi, người mua dâm, nhất là những kẻ ném hàng trăm triệu đồng cho một lần trác táng, xứng đáng bị bêu danh để răn đe.

Điều đáng suy nghĩ, lo lắng nhất khi công khai danh tính kẻ mua dâm chính là ảnh hưởng đối với gia đình, thân nhân vô tội của họ. Nhiều hậu quả nặng nề có thể xảy ra như gia đình tan nát, con cái xấu hổ bỏ bê học hành, thậm chí có nguy cơ tự tử… Kẻ gây ra thảm kịch là người cha, người chồng hư hỏng chứ không phải cơ quan công bố thông tin, tuy nhiên vẫn cần ngăn chặn nguy cơ này.

Vì vậy, theo tôi, các chuyên gia, cơ quan chức năng cần có diễn đàn thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hợp lý, nhân văn mà vẫn có thể buộc kẻ mua dâm phải trả giá, chịu trách nhiệm. Bởi việc giúp khách mua dâm che giấu hành tung chính là dung túng cho loại vi phạm này, khiến cho nạn mại dâm ngày càng nở rộ.

Nói về sự hoành hành của những đường dây mua dâm phụ nữ trong ngành giải trí với giá hàng chục nghìn đô, không thể không nhắc đến những “Tú ông, Tú bà” dùng mác ông bầu, người quản lý, đồng nghiệp trong showbiz… để “điều đào” cho những tên đàn ông rửng mỡ lắm tiền nhiều của.

Đây là những kẻ đáng ghê tởm kiếm ăn trên nhân phẩm của người khác, tội lỗi lớn nhất. Tuy nhiên, chúng hoạt động quá tinh vi, lại mang vỏ bọc “làm nghệ thuật” nên có thể công khai tập hợp đông đảo người đẹp. Hoạt động của chúng không chỉ đẩy nhiều cô gái vào vũng bùn nhục nhã mà còn ảnh hưởng đến những người đẹp hoạt động nghệ thuật chân chính. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng quyết liệt điều tra để đưa những kẻ này ra ánh sáng, trả lại môi trường trong sạch cho ngành giải trí Việt Nam.

(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Nguyễn Quyết
Bình luận
vtcnews.vn