Tác động dịch COVID-19 đến hệ thống các Ngân hàng
Tại Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, dù sớm kiểm soát tốt dịch bệnh. Chính phủ dự kiến GDP 2020 tăng trưởng khoảng 4,5 - 5,4%, giảm 1,5 - 2,5% so với mục tiêu trước đó. Bội chi ngân sách được dự báo tăng do Chính phủ triển khai gói tài khóa giúp bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch. Hoạt động doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi số DN thành lập trong 5 tháng đầu năm suy giảm rõ nét trong khi số DN tạm ngừng hoạt động tăng lên.
DN gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh đã làm hạn chế nhu cầu tín dụng và tạo thách thức trong việc tạo việc làm. Các ngành du lịch, vận tải, hàng không, dệt may, công nghiệp sản xuất, chế tạo… chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hộ sản xuất - kinh doanh, cá nhân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng giảm; dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 10 - 12%. Ngân hàng là bên cung ứng vốn cho nền kinh tế, khi các DN trong nền kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, các ngân hàng tỏ ra thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay.
Chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt khó và củng cố nền tảng hoạt động
Nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ cuối tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực nhằm giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại và các khoản cho vay mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh quý I/2020 và hệ lụy được phản ánh rõ hơn trong kết quả kinh doanh quý II của các nhà băng.
Trước những thách thức đó, ngành ngân hàng một mặt tiếp tục “hy sinh” lợi nhuận nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, một mặt nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm củng cố các nền tảng để để tạo đà phát triển trong những năm sau. Đối với MB, năm 2020 được xác định là năm bản lề quan trọng để ngân hàng này hoàn thành các mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2021 với phương châm “củng cố nền tảng và chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững”.
MB giữ vững tôn chỉ “thượng tôn pháp luật” cùng với mục tiêu “duy trì Top 5 về chất lượng hoạt động, hiệu quả, dẫn đầu về ứng dụng số”. Để đạt mục tiêu này, MB sẽ đẩy mạnh đầu tư và tập trung nguồn lực để tạo một sự tích lũy cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong tài liệu công bố thông tin, chuẩn bị cho tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 24/6, MB cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 90% kết quả đạt được năm 2019, nhưng vẫn phấn đấu đạt bằng năm ngoái.
Ngoài những nguyên nhân giảm lợi nhuận chung như các ngân hàng khác do tác động của COVID-19 như nêu trên, lợi nhuận của MB giảm cũng do khẩu vị rủi ro của ngân hàng này thường là thận trọng. MB chủ động tăng trích lập đề phòng cho những tình huống khó khăn và bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai như các dịch bệnh như COVID-19…
Điều này có thể dễ quan sát thấy khi MB thường duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở nhóm cao nhất trong ngành. Mặc dù đưa ra kế hoạch thận trọng, nhưng lãnh đạo ngân hàng này vẫn lạc quan về khả năng hoàn thành lợi nhuận, hướng đến mục tiêu nằm trong Top 6 các ngân hàng thương mại có lợi nhuận trước thuế cao nhất thị trường và đạt xếp hạng cao theo quy định của Ngân hàng Nhà nước do doanh thu năm 2020 dự kiến bằng 100% so với năm 2019 và quý 1 doanh thu của MB vẫn tăng 20% trong khi cùng ngành chỉ tăng 17,5%. Điều đó cho thấy khả năng tạo doanh thu của ngân hàng này vẫn ở nhóm cao và trong top đầu.
Được biết, nhà băng này đang tập trung cho các dự án nền tảng cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng như xây dựng tiền đề vững chắc cho việc chuyển đổi số. Hiệu quả bước đầu thể hiện qua kết quả kinh doanh 2019 với các chỉ tiêu nổi bật như quy mô user của Ngân hàng số đạt 12,7 triệu users (6,9 triệu users Viettel pay), tăng 54% so với 2018, tỷ trọng thu nhập kênh số chiếm 3,4% doanh thu toàn hàng, (tăng 79%).
Sau 2 năm đầu tiên thực hiện chiến lược ngân hàng thuận tiện, MB đặt ra mục tiêu “Dẫn đầu về ứng dụng số”, để đủ sức phục vụ trên 10 triệu khách hàng đến năm 2021. Về lâu dài, MB hướng đến việc phục vụ khách hàng đa kênh và trải nghiệm một cửa, với tốc độ nhanh nhất. Đồng thời, sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho đội ngũ nhân sự, công nghệ thông tin và cho các dịch vụ sản phẩm mới, để tiến nhanh, tiến chắc trên thị trường.
Không chỉ lợi nhuận, cổ tức ngân hàng cũng bị ảnh hưởng
Cũng theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/03/2020 của NHNN về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các TCTD trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới. Vậy là, các cổ đông ngành ngân hàng sẽ chỉ có thể nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay.
Quay trở lại với MB, mặc dù mức lợi nhuận đưa ra là khiêm tốn nhưng, nhà băng này cho biết vẫn dự kiến mức chi trả cổ tức cho kết quả tài chính năm 2020 từ 11% - 15%.
Với Techcombank, tài liệu trình ĐHĐCĐ của Techcombank không thể hiện việc nhà băng này có chia cổ tức hay không. Có vẻ như, việc không chia cổ tức là một lựa chọn truyền thống của Techcombank.
Với VPBank, sau khi chia cổ tức 2017 mạnh cho cổ đông trong năm 2018 ở mức 60%, nhà băng này cũng “gác kiếm” không chia cổ tức năm 2018 và dự kiến không chia cổ tức 2019 và một số năm tiếp theo để tập trung củng cố nguồn lực.
Một số ngân hàng khác đưa ra các mức cổ tức như BIDV (~7%), ACB (18%), ...
Bình luận