Ấn tượng mạnh nhất của công chúng về Liên hoan Kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam tối vừa qua không phải là chất lượng nghệ thuật mà là việc trao một trong 46 huy chương Bạc cho Hồng Quang Minh, hay Minh Béo, người bị khán giả tẩy chay, lên án khi phạm tội ấu xâm, bị kết án tù tại Mỹ. Sau khi được trả tự do và về nước, thái độ coi như không, chẳng chút ngại ngùng hối lỗi của anh ta khi trở lại showbiz khiến công chúng nhiều lần tỏ thái độ ghét bỏ, quay lưng.
Mấy ngày qua, hình ảnh Minh Béo diện bộ vest đính kim sa lấp lánh tươi cười nhận giấy chứng nhận Huy chương Bạc khiến số đông khán giả bức xúc, bởi họ chưa thể quên vết nhơ của nam diễn viên này. Họ cho rằng với tư cách đạo đức như vậy, anh ta không xứng đáng nhận huy chương hay được vinh danh ở bất kỳ sự kiện nghệ thuật chính thống nào.
Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích rằng huy chương được trao dựa trên chất lượng nghệ thuật, Minh Béo hiện tại không vi phạm gì và đủ điều kiện tham gia liên hoan. Ông cũng nhắc đến chuyện “mở lối cho những người từng lầm đường lạc lối”, “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”… Tuy nhiên, những lập luận này không thuyết phục được số đông công chúng.
Trên khắp các diễn đàn mạng, vô số dòng trạng thái và bình luận phẫn nộ bày tỏ sự phản đối: “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, nhưng riêng ấu dâm thì chạy đường nào cũng đánh”; “Nếu tôi là giám khảo, tôi còn không cho Minh Béo thi chứ nói gì đến việc nhận giải”; "Kẻ xâm hại tình dục trẻ em lại được nhận giải nghệ thuật, đúng là chỉ có ở showbiz Việt"…
Số đông có lý khi cho rằng, nhiều tội lỗi có thể tha thứ sau khi kẻ gây tội đã trả giá trước pháp luật, nhưng tội ác với trẻ em thì không. Việc tấn công gây tổn hại trẻ em về tinh thần hay thể xác đều không thể rửa tội. Đặc biệt, những kẻ đã phạm tội ác nhơ bẩn này sẽ không được chấp nhận bước chân lần nữa vào thánh đường nghệ thuật – nơi tôn vinh cái đẹp, nơi lan truyền các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Hơn hẳn các ngành nghề khác, nghệ sĩ luôn được công chúng dành sự ưu ái đặc biệt, được tôn vinh đặc biệt, vì thế họ cũng phải chấp nhận bản án khắt khe của dư luận khi phạm vào “vùng cấm” về nhân phẩm, đạo đức. Bản thân Minh Béo cũng chưa từng thể hiện mình là “kẻ chạy lại” để xứng đáng được tha thứ. Anh ta làm sao đủ tư cách để nhận huy chương?
Hãy nhìn ra các nền văn hóa khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…, những nghệ sĩ có vết nhơ về đạo đức gần như không có cơ hội để quay lại với nghề chứ đừng nói được trao giải. Các nước phương Tây cũng cực kỳ nghiêm khắc với tội phạm ấu dâm. Được tự do sau khi ngồi tù vì hành vi giao giấu với trẻ em dưới 16 tuổi, cầu thủ nổi tiếng Adam Johnson không thể nhập cảnh vào Mỹ, nơi “tẩy chay” mọi trường hợp từng phạm tội liên quan đến tình dục. Không đội bóng nào ký hợp đồng với kẻ từng phạm tội ấu dâm. Adam Johnson muốn bán nhà cũng chẳng được dù đã giảm giá kịch sàn, bởi không ai muốn sống trong ngôi nhà kẻ ấu dâm từng ở. Với một số tội lỗi, không phải cứ nhận án tù là trả giá xong.
Không thể biện minh việc trao huy chương cho Minh Béo bằng “truyền thống lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, cũng đừng đánh đồng việc đóng cửa thánh đường nghệ thuật với kẻ ấu dâm là “đẩy nghệ sĩ từng mắc lỗi vào bước đường cùng” hay “không còn con đường sống?". Họ có thể sống nhờ nghề khác chứ không thể tiếp tục nhạo báng công chúng bằng cách hóa thân thành những thứ đẹp đẽ trên sân khấu hay màn ảnh.
Các nhà quản lý văn hóa nói về tính giáo dục và khả năng cảm hóa của nghệ thuật, nhưng nếu những kẻ ấu dâm vẫn được tôn vinh bằng huy chương thì tính giáo dục ở đâu, cảm hóa được ai? Sự rộng lượng, vị tha luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống quanh ta nhưng cũng cần phải đặt vào đúng người, đúng chỗ.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận