Sau Đạo luật Con Lai Mỹ, Hoa Kỳ đã đón hơn 55.000 gia đình Việt và khoảng 21.000 con lai đến định cư tại Mỹ. Trong khi đó, con lai Đại Hàn cùng hàng ngàn phụ nữ Việt Nam khác đã không may mắn như vậy khi chính phủ Hàn Quốc không thừa nhận những đứa trẻ Việt là con cái của công dân nước này.
Vì lý do đó, chiến dịch “Justice for Lai Dai Han” ra đời nhằm mục đích đòi lại công bằng cho những nạn nhân của bạo lực tình dục Việt Nam sau chiến tranh những năm 1965. Đồng hành với chiến dịch này có Ngọc Thúy, hiện là phiên dịch viên cho Bộ Tư Pháp Anh, thư ký của Hội người Việt tại Vương Quốc Anh, thành viên cao cấp của tổ chức Công lý cho Lai Đại Hàn.
Ngoài ra, Ngọc Thúy còn được biết đến là cô gái trẻ tài năng, đại diện cho thế hệ trẻ, sống nhân ái và tâm huyết với các vấn đề của cộng đồng. Bên cạnh các vai trò kể trên, cô hiện là MC cho các sự kiện của cộng đồng người Việt tại Anh, tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa như: Dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai gốc Việt ở Anh, tham gia các hoạt động phản đối lại cáo buộc vô lý của Bộ Nội vụ Anh về nạn buôn người, buôn bán nô lệ trong cộng đồng người Việt Nam tại Anh.
Cô cũng rất tâm huyết trong các hoạt động thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt – Anh qua các chương trình văn hóa nghệ thuật, giao lưu kinh tế. MC Ngọc Thúy còn được chọn là Đại sứ thương hiệu cho một số hãng mỹ phẩm nổi tiếng ở Việt Nam.
Cùng với Ngọc Thúy, chiến dịch “Công lý cho Lai Đại Hàn” còn nhận được sự ủng hộ của Jack Straw, cựu ngoại trưởng Anh và là đại sứ quốc tế cho JLDH, cùng hàng ngàn người Việt Nam trong và ngoài nước.
Lai Đại Hàn và nỗi đau của nạn nhân bạo lực tình dục Việt Nam sau chiến tranh
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau để lại cho nhiều nạn nhân vẫn là niềm day dứt lớn. Trong đó có hàng ngàn phụ nữ Việt Nam cùng những đứa trẻ được gọi dưới cái tên “Con lai Đại Hàn” – những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt-Hàn, được biết đến là nạn nhân của bạo lực tình dục Việt Nam sau chiến tranh.
Theo ước tính, vào năm 1964, có khoảng 300.000 binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở khu vực miền Trung Việt Nam cùng với các lực lượng của Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Sau những cuộc vui chơi của lính Hàn, những cuộc mua bán trao đổi giữa cư dân với lính Hàn và cả những trận càn quét… hàng ngàn phụ nữ Việt Nam – nạn nhân của bạo lực tình dục chiến tranh đã sinh ra những đứa trẻ được gọi là Con lai Đại Hàn.
Hàng chục năm sau đó, khi chiến tranh đã qua đi và đất nước được giải phóng, những đứa trẻ Việt mang dòng máu hỗn hợp ấy, cùng với mẹ của họ, vẫn phải gánh chịu nỗi đau do bị xã hội khinh bỉ, ruồng bỏ.
Chia sẻ trong bài viết “Những cuộc kiếm tìm cha mẹ đầy nước mắt của con lai gốc Việt” đăng trên Báo Đất Việt Online ngày 9/8/2012, nhà văn Trần Đại Nhật (tên thật là Trần Văn Ty, tên Hàn là Kim Sang Il) tâm sự: “Ai cũng có cha mẹ sớm hôm. Sao riêng tôi chỉ có nỗi buồn”.
Buồn rầu nói về thân phận mình, nhà văn này cho biết thêm: “Nép bên mẹ, tôi như người có tội. Tội sinh ra mang dòng máu con lai”.
Hiện nay, không có con số thống kê chính xác về số người Lai Đại Hàn. Tuy nhiên, theo Busan Ilbo, con số tối thiểu là 5.000 người còn tối đa lên đến 30.000 người. Maeil Business – tờ báo kinh doanh hàng ngày của Hàn Quốc lại đưa ra con số tối đa là 1.000 người.
Trong khi đó, theo ước tính của tổ chức “Justice for Lai Dai Han”, có khoảng 10.000 – 30.000 con lai Đại Hàn đang phải sống cuộc sống nghèo khổ bên lề xã hội. Họ không được Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận, thiếu cơ hội đến trường từ nhỏ.
Cùng với đó, tổ chức này cũng cho hay, có khoảng 800 phụ nữ Việt Nam – nạn nhân của bạo lực tình dục thời kỳ chiến tranh – vẫn còn sống. Mong muốn lớn nhất của họ chỉ là một lời “xin lỗi” từ Chính phủ Hàn quốc, đồng thời, con cái của họ được thừa nhận và có được một cuộc sống tốt hơn.
“Justice for Lai Dai Han” – Chiến dịch đòi lại công lý cho những nạn nhân bạo lực tình dục chiến tranh
Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết và tấm lòng nhân ái, Ngọc Thúy cùng các cộng sự của mình trong tổ chức ''Justice for Lai Dai Han'' đang tìm mọi cách để đấu tranh nhằm đòi lại công lý cho những nạn nhân của bạo lực tình dục chiến tranh – những người con lai mang hai dòng máu Việt-Hàn cùng hàng ngàn phụ nữ Việt.
Hiện nay, các hoạt động của ''Justice for Lai Đại Hàn'' đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt là ở Anh, chính giới Anh cực kỳ quan tâm tới các vấn đề liên quan đến nạn xâm hại tình dục.
Ông Jack Straw, cựu ngoại trưởng Anh, đại sứ quốc tế cho nhóm tổ chức JLDH, phát biểu trong sự kiện “Chuyện chưa kể về phụ nữ Việt Nam” rằng: “Cần cuộc điều tra cấp cao về con lai Đại Hàn”.
Từ kinh nghiệm của nước Anh, vị cựu ngoại trưởng này cho rằng, đây là một chủ đề “nhạy cảm” với cả chính quyền Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi có những cáo buộc từ phía các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, cần phải điều tra để làm rõ.
Không riêng gì cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw, nhiều đại sứ của các nước tại Vương Quốc Anh cũng ủng hộ hoạt động của tổ chức “Justice for Lai Dai Han”.
Nhiều cuộc họp mặt, sự kiện đã được tổ chức “Justice for Lai Dai Han” tổ chức tại nhà Quốc Hội ở London. Những hoạt động này thu hút sự quan tâm và tham gia của cựu Ngoại trưởng Anh Straw cùng nhiều đại sứ quốc tế, các nạn nhân của chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, các thành viên của Hội người Việt Nam tại Anh cũng nhiệt tình tham và và ủng hộ cho chiến dịch này.
Cùng với các cộng sự của mình, MC Ngọc Thúy đang nỗ lực hết mình để kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cộng đồng người Việt ở Anh với chiến dịch “Justice for Lai Dai Han”.
Sắp tới đây, một cuộc họp giữa tổ chức “Justice for Lai Dai Han”, các nạn nhân là người mẹ và những người con lai Đại Hàn sẽ cùng được gặp gỡ chính giới tại London, Vương Quốc Anh để chia sẻ về nỗi đau, niềm trăn trở của mình suốt bao năm qua. Đồng thời, họ cũng mong muốn, tiếng nói của mình sẽ góp phần vào hành trình tìm lại công lý cho những nạn nhân kém may mắn khác.
“Chúng tôi muốn đấu tranh cho tiếng nói của bất kỳ phụ nữ Việt Nam nào là nạn nhân của bạo lực tình dục chiến tranh. Hàn Quốc nên thừa nhận vai trò của họ, xin lỗi và bồi thường cho những nạn nhân của tội ác chiến tranh” – thông điệp, mục đích của tổ chức “Justice for Lai Dai Han”, được đăng tải trên vauk.org – website của Hội người Việt Nam tại Vương Quốc Anh.
Bình luận