"Khi Roberto Mancini đứng thao thao bất tuyệt, nói rằng Italy sẽ vào chung kết EURO, tôi đã nghĩ rằng ông ấy... bị điên", Federico Bernardeschi nhớ lại khoảnh khắc của 3 năm trước, khi Mancini được bổ nhiệm vào ghế HLV trưởng Italy. Một sự kiện ít được quan tâm, khi cả thế giới đang nhìn về World Cup - giải đấu Italy không có suất dự.
Bernardeschi không phải người duy nhất nghĩ Mancini "có vấn đề". Tái sinh một Italy hoang tàn để dự chung kết EURO là chuyện hoang đường. Nhưng sau 3 năm, HLV Mancini còn làm được nhiều hơn thế. Ông giúp Italy bất bại 34 trận (phá sâu kỷ lục của HLV Vittorio Pozzo), bất bại cả giải đấu và trở thành nhà vua châu Âu.
Bản lĩnh Italy
Italy khởi đầu trận chung kết theo cách tồi tệ nhất. Phút thứ 2, Kieran Trippier tạt bóng để Luke Shaw mở tỷ số cho Anh. Italy là đội thủng lưới sớm nhất trong các đội từng dự chung kết EURO.
Trên ghế chỉ đạo, HLV Mancini cùng trợ lý Gianluca Vialli nhăn nhó. Đá trên sân Anh và thủng lưới sớm, điều gì sẽ xảy ra với Italy?
Chung kết EURO 2012, Italy của HLV Cesare Prandelli cũng khởi đầu tốt trước Tây Ban Nha, nhưng bàn thắng ở phút 14 của David Silva đã phá hỏng tất cả. Thủng lưới sớm ở trận chung kết là cảm giác không dễ chịu, có thể gây ra sụp đổ theo hiệu ứng domino về mặt tâm lý.
Luke Shaw xô đổ quân domino đầu tiên, nhưng khác với toan tính của người Anh, Italy không đổ vỡ. Khác biệt của Italy so với EURO 2012 nằm ở tính kiểm soát. Dù thua sớm, nhưng Leonardo Bonucci cùng các đồng đội không mất nhịp chơi. "Không ai trên thế giới chịu đựng giỏi hơn người Italy", Bonucci khẳng định sau trận bán kết.
Nói là làm, Italy gồng mình chịu áp lực, giữ cái đầu lạnh giữa chảo lửa Wembley để tiếp tục chơi tấn công, kiểm soát bóng trong không gian hẹp bằng những đường chuyền ngắn. Đội bóng của Mancini không hề bối rối, dù Anh đẩy cao đội hình chơi pressing và cố đẩy Italy vào thế đối đầu tay đôi.
Ở tuyến giữa, Jorginho, Nicolo Barella và Marco Verratti làm chủ tình hình, kiên trì tịnh tiến bóng theo chiều dọc. Trên hàng công, Federico Chiesa và Lorenzo Insigne bền bỉ gây sức ép.
Italy không thủng lưới thêm ở hiệp 1, trước khi gia tăng sức ép, để rồi xô đổ hàng thủ Anh ở phút 67. Một pha bóng gây tranh cãi, nhưng nếu nói Italy xứng đáng với bàn gỡ hòa, có lẽ ít người sẽ phủ nhận. Italy không chỉ chơi đẹp, mà còn kiên định với lựa chọn.
Sự kiên định ấy khác với bảo thủ. Trong quá khứ, Italy chỉ biết phòng ngự bởi trói buộc vô hình về mặt tư duy. Đêm qua, đội bóng của Mancini tấn công và tấn công, bởi niềm tin sắt đá vào năng lực bản thân.
Italy đã thực hiện đủ 3 công đoạn của một cuộc lội ngược dòng: không làm tình thế tồi tệ thêm (giữ tỷ số), lấy lại thế trận, rồi đảo ngược thế trận.
Tuyển Anh như quả bóng được bơm căng rồi xì hơi dần dần. Anh muốn "dìu" Italy vào cuộc đua thể lực và sức mạnh để chiếm ưu thế, nhưng "Azzurri" hơn đối thủ một cái đầu.
Các học trò của HLV Mancini trấn áp sức trẻ và khí thế của Anh bằng lối đá kiểm soát bài bản, kiên trì tìm khoảng trống và biến cái bốc đồng bên phía đối thủ trở thành lưỡi dao đâm ngược.
Cách mạng hoa hồng
"Italy đã phát tiết tinh hoa ở vòng bảng" là nhận định đúng. "Azzurri" thể hiện những gì tốt nhất trong cuộc cách mạng chiến thuật của HLV Mancini bằng 7 bàn thắng vào lưới Thụy Sĩ, Xứ Wales và Thổ Nhĩ Kỳ. Bước vào vòng knock-out, không trận đấu nào dễ thở nữa.
Đội bóng áo xanh chỉ thắng 1 trận trong 90 phút, bằng thành tích của Bồ Đào Nha - đội bóng bị đánh giá vô địch may mắn. Tuy nhiên, càng thắng nhọc, bản lĩnh Italy thể hiện rõ ràng, tường minh nhất. Không chỉ biết tấn công đẹp mắt và luân chuyển quả bóng với tốc độ chóng mặt, Italy cũng biết tinh quái, thực dụng khi cần.
Video: Italy thắng Anh trên chấm 11m
Federico Chiesa không phải người Italy duy nhất thừa nhận lối chơi hiện tại là bản sao chép từ cách đá của Tây Ban Nha. Italy đang học hỏi tinh thần tiqui-taca, nhưng là tiếp thu có chọn lọc. Italy vẫn chơi đẹp, chơi hay, nhưng có đủ ma mãnh, tiểu xảo khi cần.
Cái kéo áo của Giorgio Chiellini dành cho Bukayo Saka là hình ảnh mang tính biểu tượng. Saka của tuổi 19 lướt đi như một hòn đạn, trước khi bị chặn lại bởi Chiellini của tuổi 36. Daily Mail gọi Chiellini là mẫu cầu thủ "Italy" nhất trong những cầu thủ Italy, tức là có thể sử dụng mọi thủ đoạn, miễn đạt được mục đích.
Nhờ sự rắn rỏi về tâm lý, "Azzurri" đủ vững vàng để không thủng lưới ở phút bù giờ cuối cùng giống trận chung kết EURO 2000 đầy nước mắt với Pháp, cũng đủ tự tin để đá theo cách của mình, thay vì nương theo chiều gió như đội bóng của Prandelli ở EURO 2012.
Chiến thắng thứ hai liên tiếp ở loạt đấu súng cho thấy một Italy giàu chất thép. Một tác phẩm nghệ thuật được tôi rèn dưới áp lực vô biên.
Quan trọng nhất, tuyển Italy gia đình đúng nghĩa. Bao phủ bên ngoài đội bóng của Mancini là một hàng rào tâm lý bao bọc đủ vững vàng để chống chọi với những cái vô thường, biến động nhất của bóng đá.
"Italy có sự đoàn kết, tinh thần sẵn sàng hy sinh, không ích kỷ và cá nhân ở đội tuyển. HLV Mancini đã làm công việc phi thường trong việc lựa chọn đội hình. Ông ấy hiểu các học trò, khác với nhiều đồng nghiệp của mình", HLV Fabio Capello phân tích.
Để có vinh quang tại EURO, ở đâu đó, có lẽ người Italy sẽ dành cho Gian Piero Ventura lời... cảm ơn. Nếu HLV này không kéo đội bóng xuống đáy sâu tuyệt vọng, chưa chắc Italy đã có động lực để làm lại. Thất bại khiến Italy phải thay đổi tư duy. Hôm nay, đất nước hình chiếc ủng đang nếm trái ngọt, bù đắp lại cho những năm tháng khổ đau.
Bình luận