Chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục và khiến tất cả các người hâm mộ bóng đá phải ngã mũ trước thầy trò Antonio Conte. Nhưng, đấy còn là chiến thắng của số phận. Như chính cơn mưa trên hang Thượng Phương năm nào cứu số mệnh cha con Tư Mã Ý.
Khi trái bóng bắt đầu lăn trên Stade de France, một cơn mưa nặng hạt đã bất ngờ đổ xuống. Mưa khiến sân cỏ ngập nước đẩy lối đá nhỏ và kỹ thuật của Tây Ban Nha lâm vào khó khăn. Chính khi ấy, lối chơi chủ động với các đường lên bóng của hàng tiền vệ 5 người bằng tốc độ và các pha chạy chỗ liên tục của Italia phát huy tác dụng. Những cơ hội liên tiếp được tạo ra, từ cú đánh đầu của Pelle đến cú ngả bàn đèn của Giaccherini nhưng chưa thắng được đôi tay xuất sắc của David De Gea.
Cho đến phút phút 32, cú sút phạt căng của Eder khiến De Gea không thể ôm dính bóng, và Chiellini đã lao vào đá bồi, sút tung lưới Tây Ban Nha, mở tỉ số cho Italia. Một bàn thắng mang tên định mệnh.
Thực ra, trong 11 cầu thủ của Italia đến với Pháp năm nay, không ai giỏi đá phạt. Thiên tài đá phạt duy nhất của họ là Pirlo không đến Pháp lần này. Tình huống đá phạt của Eder cách khung thành 22m, rất thuận lợi cho những cú sút vòng cung lượn qua hàng rào và rót xuống khung thành.
Đáng tiếc, không ai trong 11 cầu thủ của Italia có thể thực hiện được đường bóng ấy. Eder do vậy chỉ còn cách mắm môi mắm lợi sút thẳng với đường bóng thấp, bên dưới điểm hở của chân hàng rào về phía David De Gea để cầu may. Lý do vì sao De Gea chặn được bóng mà không cần phải bay người là ở đó.
Các cầu thủ Italia biết rằng đó là những gì tốt nhất mà Eder có thể làm được, nên họ đã xuất phát sớm cùng với trái bóng ấy. Chúng ta có thể quan sát thấy, chỉ có các cầu thủ Italia lao vào, còn các cầu thủ Tây Ban Nha đứng như trời trồng, đó là vì cầu thủ Italia đã chuẩn bị trước cho cú đá phạt của Eder.
Người Italia, trong giải đấu mà đội hình không có ngôi sao nào, để chiến thắng, cần trở thành một tập thể đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau. Eder đã được tin tưởng, dù anh không giỏi sút phạt. Nhưng chừng đó chưa đủ để chiến thắng. Định mệnh thứ hai đến với đội tuyển Italia: Cơn mưa nặng hạt đầu trận.
Chính cơn mưa ấy đã khiến trái bóng trở nên trơn rít và khó kiểm soát. De Gea dù chặn được bóng nhưng không thể ôm dính, và Chiellini đã không phụ lòng cơn mưa.
Cơn mưa ấy mang theo những gì? Mang theo hàng vạn giọt nước mắt đã ngấm xuống lòng đất của các tifosi suốt 8 năm qua. 8 năm, người Tây Ban Nha đã khiến Andrea Pirlo của những tifosi phải khóc tới 3 lần vì những trận thua nghiệt ngã từ cấp CLB đến cấp đội tuyển.
Ba lần Pirlo khóc là ba lần anh khiến các tifosi không thể cầm lòng. Cơn mưa trên Stade de France gột rửa đi những nỗi đau mà “Squadra Azzurra” đã phải nhận khi đối đầu với “La Roja”, đã xóa nhòa đi giọt lệ của các tifosi trong những năm tháng dài dằng dặc.
Một hình ảnh được nâng lên tầm biểu tượng: Antonio Conte, giữa cơn mưa, đứng gào thét chỉ đạo, trái ngược với hình ảnh câm lặng của Del Bosque bên phía Tây Ban Nha. Trong mưa gió, trong âm u, trong hoang tàn, trong lạnh lẽo, trong ánh mặt trời.
Conte vẫn đứng giữa đường biên suốt 90 phút, gào thét lên những tiếng vọng, vang như chuông đồng giữa sân vận động rộng lớn, gợi lại một thời đã xa, thời đại 74 năm người Italia cười ngạo nghễ trước “Đoàn quân bò tót”.
“Món nợ”, “Báo thù”. Những danh từ hào hùng ấy thực tế là chỉ để điểm thêm chiến thắng hôm nay của người Italia. Chẳng có món nợ nào có thể trả sạch nỗi đau trong quá khứ, cũng không thể xóa nhòa được nước mắt Pirlo đã rơi trong kỳ Euro đẹp nhất cuộc đời của anh 4 năm về trước. Nhưng một phần nỗi đau đã nguôi ngoai, một phần ký ức được trả sòng phẳng.
4 năm trước, người Tây Ban Nha đả bại người Italia để giành chức vô địch. 4 năm sau, người Italia biến người Tây Ban Nha thành cựu vô địch. Một câu chuyện lịch sử kể lại: trong cuộc chiến giữa Italia và Tây Ban Nha. Mỗi bước ngoặt của cuộc đối đầu này, đều liên quan đến một sự đổi ngôi giữa hai nền bóng đá.
Hỏi sao các tifosi không cười?
>> Dự đoán Euro 2016 trúng thưởng lớn tại đây
Bình luận