Phát biểu trên truyền hình nhà nước ít phút ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Mỹ không tôn trọng thỏa thuận hạt nhân quốc tế và các thỏa thuận quốc tế mà Mỹ tham gia đồng thời tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả lại quyết định của Mỹ. Iran sẽ không rút khỏi thỏa Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và sẽ tiếp tục thảo luận với các nước liên quan về thỏa thuận này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ra lệnh cho Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) sẵn sàng tiếp tục làm giàu hạt nhân ở cấp độ công nghiệp mà không cần bất kỳ giới hạn. Iran sẽ chờ một vài tuần để tham khảo ý kiến các bên châu Âu về thỏa thuận hạt nhân cũng như Nga và Trung Quốc. Tổng thống Iran nói rằng “tất cả mọi thứ phụ thuộc vào lợi ích quốc gia của chúng tôi và lưu ý rằng nếu lợi ích của Iran trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được đảm bảo mà không có sự hiện diện của Mỹ, Iran sẽ ở lại trong thỏa thuận này.
Đáng chú ý là các cường quốc trong đó có Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu nhiều lần nhấn mạnh rằng việc giữ thỏa thuận này là vì lợi ích của hòa bình và an ninh thế giới. Trong khi, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng xác nhận 11 lần rằng Iran đã cam kết các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, động thái này của Mỹ chắc chắn sẽ tác động lớn tới tình hình Iran và khu vực Trung Đông cả về kinh tế, chính trị và an ninh. Khu vực Trung Đông vốn luôn nhiều bất ổn sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng nhất là khi Iran có những ảnh hưởng lớn tới một số nước, vấn đề khu vực như tình hình Syria, I-rắc, Yemen, Li-băng cũng như cuộc chiến chống khủng bố. Đó là chưa kể tới những đối trọng giữa Iran và A-rập xê-út đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cũng có thể leo thang.
Điều mà các nhà phân tích lo ngại chính là động thái của Mỹ có thể khiến Iran trở lại làm giàu uranium và phát triển vũ khí hạt nhân. Bởi Iran đã từng tuyên bố việc nối lại các bước làm giàu uranium chỉ mất khoảng vài tuần.
Khi đó, khu vực Trung Đông sẽ vô cùng căng thẳng và nóng bỏng, trở nên nguy hiểm khi mọi sự có thể vượt tầm kiểm soát của các bên liên quan. Khả năng một cuộc chiến sẽ bùng nổ cũng không nằm ngoài kịch bản mà các nhà phân tích đưa ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì trong thời điểm hiện nay, cả Iran và Mỹ đều không muốn chiến tranh nổ ra.
Video: Ngoại ô thủ đô Syria trúng tên lửa, cháy ngùn ngụt
Về kinh tế, các thỏa thuận quốc tế với Iran được thắt chặt với một sự phong tỏa từ Mỹ. Các ngân hàng có quan hệ thương mại với Iran bị trừng phạt hoặc phải xem xét lại quan hệ này. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Iran. Tuy nhiên, Giám đốc ngân hàng trung ương Iran khẳng định rằng nền kinh tế của nước này sẽ không bị ảnh hưởng dù Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Ở khu vực Trung Đông, Iran đứng ở vị trí thứ hai về trữ lượng dầu mỏ, chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu mỏ thế giới và chỉ sau Ả-rập Xê-út. Nền kinh tế của nước này dựa vào thu nhập dầu ở mức 60%. Do đó động thái này của Mỹ sẽ tác động lớn đến kinh tế của Iran và giá dầu mỏ, khí đốt trên thị trường toàn cầu cũng như nguồn cung cho EU.
Ngay sau tuyên bố của Mỹ, giá dầu mỏ đã tăng 1,67 USD. Đây cũng là lý do vì sao mà các nước EU từ chối rút khỏi thỏa thuận và cam kết tiếp tục hợp tác với Iran. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ một đồng minh của Mỹ ở Trung Đông bày tỏ tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Giám đốc điều hành Công ty Cơ khí và Phát triển Dầu mỏ Iran nói rằng, ngành công nghiệp dầu lửa Iran không lo lắng về việc trừng phạt. Các công ty châu Âu vẫn hợp tác với Iran.
Bình luận