Vụ bắt giữ tàu Hàn Quốc MT Hankuk Chemi và 20 thuyền viên gần eo biển chiến lược Hormuz được xem là nỗ lực của Iran nhằm thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, chỉ hai tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, theo Reuters.
Tuy nhiên, Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã quen với những cáo buộc như vậy. Nhưng nếu có bất kỳ vụ bắt giữ con tin nào, thì là chính phủ Hàn Quốc đang nắm giữ 7 tỷ USD thuộc về chúng tôi, làm con tin vô căn cứ”.
Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Iran, kêu gọi thả con tàu và cho biết họ đang cử một phái đoàn tới Iran để thảo luận. Iran nói rằng con tàu bị giữ vì gây ô nhiễm môi trường. Thủy thủ trên tàu là các công dân tới từ Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam và Myanmar.
Hàn Quốc, giống như các quốc gia khác, được yêu cầu hạn chế Iran tiếp cận hệ thống tài chính của mình theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Lệnh được ông Trump áp đặt sau khi ông từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Iran nói rằng các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp và đã gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này, ảnh hưởng khả năng giúp họ ứng phó với đại dịch COVID-19.
Ông Biden đặt mục tiêu khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng Iran phải hoàn toàn tuân thủ các điều khoản trước khi thỏa thuận có thể được khôi phục, trong khi Iran nói rằng Washington trước tiên phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Hôm 4/1, Tehran thông báo họ đã tăng cường làm giàu uranium tại một cơ sở dưới lòng đất, động thái mới nhất đi ngược lại các điều khoản của thỏa thuận.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Kang Kyung-wha cho biết rằng bà đang nỗ lực ngoại giao để đảm bảo việc thả con tàu chở dầu và đã liên lạc với người đồng cấp của mình ở Tehran.
Đại sứ Iran tại Seoul, Saeed Badamchi Shabestari, khi được hỏi về tình trạng của thủy thủ đoàn, cho biết "tất cả họ đều an toàn".
Bình luận