Tehran đã đề xuất thành lập một trung tâm khí đốt khu vực trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để đảm bảo an ninh năng lượng, theo hãng tin Fars, dẫn lời phó tổng thống thứ nhất của Iran.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO tại thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan, Phó tổng thống Mohammad Mokhber cho biết động thái này sẽ giúp 9 thành viên của khối thúc đẩy buôn bán và trao đổi năng lượng, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, điện và năng lượng tái tạo.
Ông cũng nói về đề xuất của Tehran trong việc tạo quỹ cho các nước đầu tư quan tâm cùng tài trợ cho các dự án hóa dầu, đồng thời nhấn mạnh sự sẵn sàng của nước này trong việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật và sản xuất thiết bị cho các lĩnh vực dầu khí và hóa dầu.
Iran đang tìm cách tạo ra một trung tâm khí đốt hợp tác với các đối tác thương mại Á - Âu để tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao vị thế của mình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tehran là một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, bán phần lớn năng lượng cho thị trường châu Á bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vào tháng 7, Iran đã trở thành thành viên chính thức thứ 9 của SCO, nâng cao vị thế trước đây là quan sát viên của khối phát triển kinh tế và an ninh Á - Âu.
Nhiều ý kiến cho rằng Iran có vị trí địa lý thuận lợi để có thể trở thành một trung tâm khí đốt dựa trên hoạt động buôn bán khí đốt với các nước láng giềng. Một số chuyên gia nước này cho rằng chiến lược của Iran nên được xác định theo cách mua lượng khí đốt dư thừa của các nước trong khu vực và xuất khẩu khí đốt sang các nước có nhu cầu với giá cao hơn.
Tất cả điều này được cho là sẽ nằm trong nỗ lực thúc đẩy Iran thoát khỏi cái bóng của phương Tây và tăng cường độc lập về năng lượng. Trong khi mối quan hệ giữa Tehran với Mỹ và phương Tây nổi bật với các lệnh trừng phạt và các bàn luận về thỏa thuận hạt nhân, nước này đang cố gắng hợp tác với Trung Quốc và Nga.
SCO được thành lập vào những năm 1990 với tên gọi Shanghai Five, ban đầu bao gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Uzbekistan gia nhập vào năm 2001, dẫn đến việc đổi tên và lần mở rộng gần đây nhất vào năm 2017 đã chứng kiến Ấn Độ và Pakistan tham gia. Đầu năm nay, Belarus đã ký bản ghi nhớ gia nhập, một bước cần thiết để một quốc gia quan sát viên trở thành thành viên SCO. Ngoài Belarus, Afghanistan và Mông Cổ hiện cũng có tư cách quan sát viên, trong khi hơn chục quốc gia được SCO xem là đối tác đối thoại.
Bình luận