• Zalo

IPO doanh nghiệp ế chỏng chơ, 'ông lớn' có phá dớp?

Kinh tếThứ Sáu, 27/06/2014 07:40:00 +07:00Google News

(VTC News) – Với sự xuất hiện của các “ông lớn” trong các đợt IPO, nhiều người kỳ vọng sẽ “phá dớp” ế ẩm mà nhiều DN trải qua trong suốt năm 2013 và đầu 2014.

(VTC News) – Với sự xuất hiện của các “ông lớn” trong các đợt IPO, nhiều người kỳ vọng sẽ “phá dớp” ế ẩm mà nhiều doanh nghiệp phải trải qua trong suốt năm 2013 và đầu năm 2014.

Ế như IPO doanh nghiệp

Từ đầu năm tới nay, hàng loạt doanh nghiệp thực hiện việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Do thị trường chứng khoán èo uột nên các đợt IPO không thu hút được nhiều sự chú ý từ giới đầu tư. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cảnh ế ẩm.

Tính tới 3/6, nhà đầu tư đã chứng kiến 13 đợt IPO của các doanh nghiệp trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.

Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh “mở hàng” với lượng cổ phiếu bán ra khiêm tốn chỉ 481.950 đơn vị. Rất may mắn, Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã bán thành công hết lượng cổ phiếu này.

Sau đó, Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế, Tổng Công ty Xây Dựng Thủy Lợi 4 – CTCP cũng hoàn thành kế hoạch khi IPO thành công với tất cả cổ phiếu chào bán đều đến được tay nhà đầu tư. Tuy nhiên, tới Công ty TNHH Một thành viên Đăng kiểm xe cơ giới Tây Ninh, tình hình không được suôn sẻ như vậy.

Vietnam Airlines
Vietnam Airlines được kỳ vọng sẽ phá dớp ế IPO 

Công ty TNHH Một thành viên Đăng kiểm xe cơ giới Tây Ninh chào bán 1.550.400 cổ phần với mức giá khiêm tốn chỉ 10.500 đồng/CP nhưng vẫn ế ẩm. Kết quả của phiên đấu giá diễn ra ngày 17/3 kết thúc khi chỉ 567.400 cổ phần được chào mua thành công.

Phiên đấu giá của Công ty Cổ phần Than Miền Nam - Vinacomin diễn ra 2 ngày sau đó cũng ế ẩm không kém. Công ty chào bán 1.184.850 cổ phần nhưng chỉ bán được 894.800 cổ phần.

Cổ phiếu bất động sản, xây dựng đang nóng lên nhưng điều đó không có nghĩa Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 - TNHH Một thành viên được nhà đầu tư quan tâm. Bằng chứng là khi “ông lớn xây dựng” này chào bán 28.724.100 cổ phần, chỉ có 1.169.000 cổ phần được đặt mua.

Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước số 2 cũng không hơn gì. Phiên đấu giá ngày ¾ diễn ra ảm đạm. Trong số 2.660.100 cổ phần được đăng ký bán, chỉ có 341.000 cổ phần được mua thành công.

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển Nhà Kiên Giang ế nặng nề hơn khi chỉ bán được 430.300 cổ phần. Trong khi đó, công ty này chào bán tới 12.197.200 cổ phần. Điều đáng nói, giá khởi điểm trong phiên này khá rẻ, chỉ đúng bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Công ty TNHH Một thành viên Vinalines Nha Trang, Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang, Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8,… cũng ghi tên mình vào danh sách các đơn vị ế chỏng chơ khi IPO.

“Ông lớn” có phá dớp?

Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp bán hết cổ phần khi IPO đa phần đều thuộc ngành bất động sản, xây dựng. Vì thế, trước mắt, các doanh nghiệp ngành này cũng khá tự tin khi chuẩn bị chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Tuy nhiên, IPO của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng lại không phải là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Phiên IPO “khủng” nhất thuộc về Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines).

Dự kiến trong quý 3/2014, Vietnam Airlines sẽ IPO. Công tác bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ diễn ra đồng thời với quá trình IPO trong nước và dự kiến tập trung triển khai trong quý 4/2014.

Vietnam Airlines chỉ đấu giá công khai 48,9 triệu cổ phần với mức giá khởi điểm 22.300 đồng/cp. Vietnam Airlines sẽ bán 282 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược song song với kế hoạch IPO.

Vietnam Airlines hiện là 'ông lớn' của ngành hàng không. Lợi nhuận quý 1 của Vietnam Airlines gần bằng cả năm 2013 và đã đạt 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2014 (969 tỷ đồng). Vì vậy, nhiều nhà đầu tư tin rằng phiên IPO của Vietnam Airlines sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư.

Ngoài Vietnam Airlines, sắp tới, thị trường chứng kiến nhiều đợt IPO “khủng” của các ông lớn. Vào tháng 7 tới, Công ty Cổ phần Vận tải Hàng không Miền Nam sẽ đấu giá 43,5 triệu cổ phần với mức giá khởi điểm 11.917/CP.

Trong khi đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam chào báo số lượng cổ phần “khủng” hơn nhiều, lên tới gần 122 triệu cổ phần. Mức giá khởi điểm của Tập đoàn này tương đối “mềm”, đạt 11.000 đồng/CP.

Với sự xuất hiện của các “ông lớn” trong các đợt IPO, nhiều người kỳ vọng các ông lớn sẽ “phá dớp” ế ẩm mà nhiều doanh nghiệp phải trải qua trong suốt năm 2013 và đầu năm 2014.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn