(VTC News)- Mỗi khi đối đầu với Indonesia tại Jakarta là một lần đội quân áo đỏ bị thử thách tâm lý trước sức ép khổng lồ từ cả trăm nghìn khán giả. "Thánh địa" Gelora Bung Karno chính là 1 trong 5 sân vận động có sức chứa và độ ồn lớn nhất hành tinh.
* Kéo xuống để xem U23 Việt Nam bị "quần thảo" thế nào tại Bung Karno
Nói về Indonesia, đây xứng đáng được coi là kỳ phùng địch thủ của bóng đá Việt Nam trong khu vực. Không chỉ bởi những tỉ số đối đầu sít sao, những màn chạm trán kịch tính, ganh đua tới tận phút chót mà lý do chính là bởi lối chơi giữa hai đội có nhiều nét tương đồng. Cả Việt Nam và Indonesia đều lấy chiến thuật bóng ngắn, đánh biên làm chủ đạo. Thể hình, thể lực cầu thủ đôi bên cũng không chênh lệch nhau là mấy.
Việt Nam - Indonesia luôn đem lại màn trình diễn kịch tính và nghẹt thở. |
Trong 15 lần đối đầu giữa đôi bên (Việt Nam thắng 4, hòa 4, thua 7), chỉ có duy nhất một trận đấu kết thúc với tỉ số chênh lệch quá hai bàn. Đó cũng chính là thất bại nặng nề nhất của đội tuyển Việt Nam trên sân nhà (AFF Cup 2004, thua 0-3 tại Mỹ Đình).
Đặc biệt, trên sân Bung Karno tại Jakarta từng nổ ra những cuộc thư hùng thuộc loại hay nhất khu vực như trận hòa 2-2 tại Sea Games 1997 hay trận đấu cùng tỉ số vòng bảng Tiger Cup 2002.
Vũ khí lợi hại nhất người Indo có được chính là lượng cổ động viên khổng lồ chỉ trực chờ "ăn tươi nuốt sống" địch thủ. Không chỉ tuyển thủ Việt Nam mà các cầu thủ Thái Lan, Singapore cũng bị ám ảnh về màn tra tấn tâm lý tại một trong những sân vận động đáng sợ bậc nhất thế giới.
Những hình ảnh chen kín người mua vé trước cửa sân Bung Karno đã không còn nữa (Ảnh: Hà Thành) |
Tuy nhiên, có vẻ như thứ vũ khí sắc bén ấy đã phần nào bị mai một đi ít nhiều. Chứng kiến hai trận đấu gần nhất của các đội tuyển quốc gia Indonesia tại Bung Karno mới thấy sự "hẩm hiu" của sân đấu một thời chật ních khán đài.
Trận giao hữu trong hệ thống FIFA giữa tuyển Indonesia và cường địch Bắc Triều Tiên (0-2) tối thứ Ba (10/12) vừa qua, số lượng nhân viên an ninh và bảo vệ ban tổ chức thuê thậm chí còn nhiều hơn cổ động viên.
Con số fan cổ vũ từ hàng nghìn thậm chí đã rớt thảm hại xuống còn vài trăm trong trận đấu trước đó 1 ngày giữa U22 Indonesia và U22 Malaysia (0-1). Những kết quả yếu kém của đội nhà cùng giá vé đắt đỏ đã ngăn người hâm mộ tới trực tiếp cổ động.
Để có một vé loại 2 ngồi phía sau cầu môn, người hâm mộ phải trả 160.000 rupiah (tương đương 360.000 VNĐ). Một mức giá điên rồ cho một trận cầu ở cấp độ U. Thậm chí, mặc dù đã đại hạ giá mức vé VIP xuống bằng với vé hạng 2, lượng cổ động viên vào sân vẫn không thể nhích lên chút nào.
Indonesia đang gặp khủng hoảng ở thượng tầng với cuộc "nội chiến" Super League (ảnh: Indonesia bại trận trước Bắc Triều Tiên 0-2 trong trận đấu tại cúp SCTV 2012). |
Thêm một lý do cho việc các khán đài "vắng như chùa Bà Đanh" là những lùm xùm xung quanh cuộc "nội chiến" trong liên đoàn bóng đá Indonesia. Theo đó, những cầu thủ hàng đầu đang thi đấu tại giải Super League (giải đấu ly khai khỏi Liên đoàn do các câu lạc bộ lập ra) bị từ chối triệu tập lên tuyển quốc gia. Điều này khiến hình ảnh đội tuyển bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hiệu ứng thiếu vắng ngôi sao.
Không khí èo uột trên khán đài là vậy, diễn biến trên sân cũng không mấy hào hứng. Indonesia thi triển một lối tấn công khá nghèo nàn. Họ chỉ có một bài dồn bóng cho chủ công Elie Aiboy ở cánh phải. Tất cả những cơ hội hiếm hoi mà tiền vệ ngôi sao này tạo ra đều không được tận dụng. Phía bên kia chiến tuyến, dù đá khá nhàn nhã, Bắc Triều Tiên vẫn dễ dàng có được hai bàn thắng. Lý do đơn giản là họ được chơi hơn người (hậu vệ Indo nhận thẻ đỏ rời sân).
Nếu miễn cưỡng tin rằng trận đấu có điểm hấp dẫn thì có lẽ nó nằm ở nhóm, nói chính xác hơn là nhúm cổ động đội khách mà thôi.
Xem lại chuyến làm khách gần nhất của bóng đá Việt trên sân Bung Karno tại Sea Games 26 (U23 VN thua trận 0-2 ở bán kết). |
Lý Sơn
Bình luận