Hôm 27/6, Bộ Y tế Indonesia cho biết, nước này ghi nhận 21.342 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là số ca mắc bệnh cao nhất trong ngày được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Đến nay, tổng số người nhiễm nCoV tại quốc gia Đông Nam Á này là hơn 2,1 triệu người.
Cũng theo dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia, nước này có thêm 409 người chết do COVID-19, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 57.138 người.
Indonesia hiện là ổ dịch lớn nhất ở Đông Nam Á. Nước này đang phải vật lộn với sự gia tăng của ca bệnh sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr vào tháng trước. Nhiều người trở về quê, đi thăm quan các điểm du lịch trong kỳ nghỉ này.
Nhiều chuyên gia lo ngại số người nhiễm và chết vì đại dịch ở Indonesia trên thực tế còn cao hơn báo cáo do tỷ lệ xét nghiệm thấp. "Chúng tôi dự đoán số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, có thể chạm đỉnh trong 2-3 tuần tới", người phát ngôn nhóm chuyên trách chống COVID-19 Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho hay.
Hệ thống y tế Indonesia đối mặt nguy cơ sụp đổ trước tình hình ca bệnh ngày càng nhiều. Một số bệnh viện quá tải, buộc phải từ chối bệnh nhân. Ca mắc ở Indonesia chủ yếu là do biến thể Delta.
Nhiều quốc gia trên thế giới từ Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, đến New Zealand và Israel, đang chạy đua ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, trong đó một số nước tái áp đặt phong toả, cũng như áp đặt biện pháp hạn chế mới.
Chính phủ Bangladesh đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực vào hôm 28/6. Theo lệnh phong tỏa, các văn phòng phải đóng cửa trong vòng một tuần và chỉ cho phép vận chuyển liên quan đến y tế. Đến nay, Bangladesh ghi nhận 883.138 ca nhiễm và 14.053 ca thiệt mạng do COVID-19.
Nam Phi thắt chặt các hạn chế COVID-19 trong 14 ngày. Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, các hạn chế mới được đưa ra sau khi biện pháp ngăn chặn hiện tại không đủ để đối phó với tốc độ và quy mô của các ca lây nhiễm mới.
Theo các biện pháp được công bố, Nam Phi sẽ cấm hoạt động tụ tập đông người, cấm bán rượu và ban bố lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng. Các trường học sẽ bắt đầu đóng cửa từ hôm 30/6, nhà hàng sẽ chỉ có thể bán đồ ăn mang về.
Nam Phi ghi nhận gần 18.000 trường hợp nhiễm mới vào hôm 26/6. Giới khoa học địa phương cho biết, biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ dường như đang lây lan nhanh chóng ở nước này.
Tại Thái Lan, giới chức nước này cũng đã công bố thêm biện pháp hạn chế ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Theo đó, từ ngày 28/6, nhà hàng ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận phải tạm dừng hoạt động trong vòng một tháng. Các trung tâm mua sắm phải đóng cửa trước 22h và người dân không được phép tụ tập quá 20 người.
Trong khi đó, hôm 25/6, Israel tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng. Quyết định được đưa ra sau khi nước này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới/ngày trong 4 ngày liên tiếp.
Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến là đòn giáng mạnh vào Israel khi nước này được xem là quốc gia triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thành công nhất thế giới. Khoảng 5,2 triệu người trong tổng số hơn 9 triệu dân Israel đã tiêm đủ hai mũi vaccine của Pfizer-BioNTech, tương đương 55% dân số.
Hôm 26/6, Australia thông báo áp đặt lệnh phong tỏa hai tuần nghiêm ngặt với toàn bộ Sydney, thành phố lớn nhất nước, và khu vực lân cận. Đây là lệnh phong tỏa toàn thành phố đầu tiên của Sydney kể từ đầu năm 2020, được đưa ra khi ca nhiễm bệnh ngày càng gia tăng.
New Zealand cũng thông báo đình chỉ ba ngày thỏa thuận di chuyển không cần cách ly ký với Australia do trường hợp nhiễm bệnh tăng mạnh ở quốc gia láng giềng.
Bình luận