Sao không là "Ba Đẻn của Argentina"?
![]() |
Nhà thơ Anh Ngọc - Người vẽ chân dung Ba Đẻn bằng chữ đẹp nhất. |
Không những thế, tác giả của trường ca “Sông Mekong bốn mặt” còn nói Ba Đẻn giống như Maradona của Việt Nam. So sánh này chắc chắn phải mãi về sau mới hình thành bởi khi Ba Đẻn giã từ sự nghiệp vào năm 1984, Maradona mới bắt đầu nổi lên như một hiện tượng của túc cầu thế giới. Thế nên hóm hỉnh một chút thì phải bảo “Maradona là Ba Đẻn của Argentina”.
Ba Đẻn có chiều cao khiêm tốn, có khả năng giữ trụ trước những vòng vây càn quét của đối phương, có lối chạy biên rồi ngoặc bóng, có sự tinh ranh, lanh lợi… giống như “Thánh” Diago. Vì vậy không sai để đặt Ba Đẻn trên hệ quy chiếu với “Cậu bé Vàng” của bóng đá xứ Tango.
Quái chiêu từ một "cái phanh”
Nhà báo Nguyễn Lưu từng đặt ra một câu hỏi thú vị cho tôi rằng, đâu là cái sự ghê nhất ở “Vua” Pele? Trong khi tôi còn đang loay hoay tìm câu trả lời thì ông đã xua tay: Cậu không biết đâu, chỉ có ông Lobo Zagallo biết thôi.
Lobo Zagallo là HLV xuất sắc bậc nhất bóng đá Brazil và là người có nhiều năm huấn luyện Pele. Trong một cuộc trả lời báo chí, ông Zagallo chỉ ra rằng, điểm mạnh nhất của Pele nằm ở khả năng bật dậy. Đại ý Zagallo miêu tả: Trong một vòng 16m50 của đối phương đầy nhộn nhạo, Pele luôn là người bật dậy nhanh nhất sau khi đã ngã.
Từ câu chuyện Pele, ông ngược về Ba Đẻn. Ông lại hỏi tôi, thế Ba Đẻn thì mạnh nhất ở điểm gì? Tất nhiên tôi chưa từng xem ông Ba Đẻn thi đấu nên tậm tịt. Còn nhà báo Nguyễn Lưu thì quả quyết, điểm mạnh của Ba Đẻn là ở cái “phanh chân”.
![]() |
Ba Đẻn và lối đá tinh ranh |
Anh chạy rất nhanh (xin lưu ý: Anh chạy 100m mất 11 giây rưỡi và 3000m mất chín phút rưỡi, trong khi tiêu chuẩn kiện tướng là 11 phút). Nhưng tất nhiên với đôi chân cao kều, cầu thủ bạn cũng nhanh không kém. Nếu cứ thế thì Anh sẽ bị hoặc mất bóng, hoặc cản phá, không thể tiếp tục xuống bóng.
Nhưng bất ngờ, Anh đột ngột dừng phắt lại cùng với bóng – Các bạn đã bao giờ thử làm động tác như vậy chưa? Chắc là chưa.
Tôi cũng vậy. Và chúng ta những người trần mắt thịt chỉ thấy lúc ấy cái anh chàng cầu thủ Cuba cao to như ngựa thiến đang lao ầm ầm như cả một cỗ xe tam mã không sao hãm kịp, và vì cố cưỡng lại nên anh ta ngã dúi dụi và trượt đi đến 4,5m, trong khi anh chàng bé con Thế Anh thì ung dung rẽ ngoặt sang một phía, và bây giờ thì trước mặt anh ta chỉ còn lại mỗi người thủ môn đang hốt hoảng xông ra một chọi một…
Và chúng ta đã hơn một lần sung sướng đến chết lặng mất một lúc, rồi mới kịp reo lên vỡ ngực vì tài nghệ của Thế Anh. Động tác này, Thế Anh thực hiện không biết cơ man nào lần, nhiều đối thủ đã “bắt được vở” nhưng rốt cuộc vẫn bị Thế Anh cho ngã bổ xiêu, bổ chửng…”
Đoạn miêu tả trên được nhà thơ Anh Ngọc viết ra sau khi mục sở thị màn trình diễn của một thế hệ mới Thể Công, trong đó có Thế Anh, khi Thể Công đá giao hữu với ĐT Cuba vào năm 1970. Đó cũng là trận đấu đầu tiên, Thế Anh ra mắt đội hình 1 của Thể Công, đồng thời là trận đấu quốc tế đầu tiên sau bao nhiêu năm gián đoạn vì chiến tranh.
Kết thúc trận đấu này, nhà thơ Anh Ngọc đã hỏi BLV Hoài Sơn: “Cầu thủ nào gây cho anh ấn tượng nhất trận đấu?”. “Thế Anh” – BLV Hoài Sơn đáp.
Sự xuất hiện của Thế Anh với lối chơi đầy linh hoạt, đã gây cho khán giả một ấn tượng rất mạnh. Tài năng điểm hình của Thế Anh là ở “cái phanh”. Nhà thơ Anh Ngọc một lần nữa nhấn mạnh: “Hôm đó trời mưa. Và dưới trời mưa, cái phanh của Anh càng phát huy hiệu lực kinh khủng – nhiều lúc Anh thực sự làm xiếc trên sân.
Xem một con người bé nhỏ như vậy tả đột hữu xung giữa những đối thủ khổng lồ vừa có cái gì ngộ nghĩnh vừa thú vị vô cùng. Đúng là chuột vờn mèo!
Hoặc một lần khác, đến lượt hậu vệ của đội Thanh niên CHDC Đức – anh này còn bị Anh diễu cho đến mức quay ra đá láo trên sân.
Vậy thì “cái phanh”, “độ dừng” – theo cách gọi của chính Thế Anh, hay theo thuật ngữ chính quy – “sự khắc phục quán tính”, đã hình thành như thế nào?”
* Còn nữa…Đón đọc “Trò chơi sôvê và cái phanh của Maradona Việt”
Hà Thành
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận