Huyền thoại đội ‘nữ sát thủ’ của vị vua yêu nước Thành Thái

Chuyện xưa chép lạiChủ Nhật, 06/02/2022 13:47:00 +07:00
(VTC News) -

Vua Thành Thái dùng nhiều biện pháp che mắt thực dân Pháp để bí mật tuyển nạp 4 đội nữ binh chống giặc.

Vua Thành Thái (1879 – 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Ông có tên huý là Nguyễn Phúc Bửu Lân (còn có tên khác là Nguyễn Phúc Chiêu) là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng Hậu (Phan Thị Điểu). Cùng với vua Hàm Nghi và Duy Tân, ông là một trong 3 vị vua yêu nước chống Pháp bị đi đày tại ngoại quốc.

Thành Thái là một ông vua có tính cách đặc biệt, bộc lộ tinh thần ham học hỏi từ bé, tuổi nhỏ nhưng chí lớn. Khi lên làm vua, ông thể hiện phong thái đĩnh đạc của người lớn, tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại kể cả người Nam và người Pháp.

Huyền thoại đội ‘nữ sát thủ’ của vị vua yêu nước Thành Thái - 1

Vua Thành Thái là một trong 3 vị vua yêu nước của nhà Nguyễn bị thực dân Pháp đưa đi ngoại quốc lưu đày. (Ảnh: Tư Liệu).

Vua sớm tiếp cận văn minh phương Tây bằng việc cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi. Ông để ý đến cả các loại vũ khí, giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến (tốt nghiệp trường mỹ thuật Paris) vẽ cho ông các khẩu súng Pháp.

Từ khi lên cai trị, vua Thành Thái bộc lộ tinh thần dân tộc, kháng Pháp rất cao, khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Trong những giai thoại về cuộc đời gây cảm tưởng về sự phóng đãng của ông cũng có những giải thích về tinh thần kháng Pháp.

Một trong những hành động yêu nước của ông là bí mật thành lập đội nữ binh đánh pháp. Đây được cho là một chiến lược mới mà những vị vua trước ông chưa từng áp dụng.

Theo đó, vua thường bí mật tìm đến vùng Kim Long để tìm các mỹ nhân và đón các cô gái này về cung. Nhiều người không hiểu mục đích, thường chế giễu ông là ngươi ham mê sắc dục. Trong dân gian khi ấy thường có câu ca dao không biết là để chế giễu hay ngụ ý đề cao: “Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi”.

Theo sử xưa chép lại, vua Thành Thái lập đội nữ binh để che mắt thực dân Pháp làm tiền đề cho bước đầu xây dựng chiến lược và kế sách chống thực dân, quyết giành lấy độc lập tự do cho Tổ Quốc ngay trong bối cảnh, quyền lực, mọi việc triều chính đều do Pháp thao túng.

Huyền thoại đội ‘nữ sát thủ’ của vị vua yêu nước Thành Thái - 2

Đội “nữ sát thủ” bí mật của vua Thành Thái được ăn mặc áo quần theo kiểu riêng và hằng ngày chăm lo luyện tập võ nghệ.

Nhà vua tự bỏ tiền ra lo chi phí, ăn ở cho đội nữ binh; cho ăn mặc áo quần theo kiểu riêng và hằng ngày chăm lo luyện tập võ nghệ. Vì thế, việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức hết sức bí mật.

Nhà vua cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc với họ và gia đình. Nếu được chấp thuận, vua cho dàn cảnh bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón họ và đưa vào cung cấm.

Mọi động thái từ khi tiếp cận đến quá trình đưa họ vào cung đều được bảo mật. Các cô gái bị "bắt cóc" thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của Thành nội, gần làng Kim Long. Đây là con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng.

Ngoài những cô gái Kim Long, nhà vua còn tuyển các cô gái làng An Ninh (giáp Kim Long). Do hầu hết là thợ dệt vải (vải An Ninh rất nổi tiếng), Vua Thành Thái đã ngụy trang cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong cung. Một mặt, nhà vua dễ dàng lừa thực dân, còn mặt khác để cho nữ binh có công việc mà trang trải chi phí.

Suốt quá trình chiêu mộ và huyến luận, vua Thành Thái chiêu nạp được 4 đội nữ binh. Mỗi đội gồm 50 người. Để tránh bị thực dân Pháp phát hiện, cứ sau mỡi đợt tập luyện quân sự thành thục, nhà vua sẽ cho 50 nữ binh ấy về với gia đình và chờ lệnh gọi nhập ngũ lên đường chống Pháp. Sau đó, ông lại tuyển thêm 50 nữ binh mới để tiếp tục đào tạo và huấn luyện binh pháp thuần thục.

Về sau, kế sách bị bại lộ, Thượng thư Bộ lại và các quan đại thần trong Cơ mật viện đã báo sự việc cho viên Khâm sứ Pháp Levécque. Từ đó, quyền hành của Vua Thành Thái ngày càng thu hẹp, nhà vua bị cô lập dần, u uất đến cao độ, rồi sau bị buộc thoái vị.

Ngày 12/9/1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân. Ngày 24/4/1954, vua Thành Thái băng hà và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức thọ 75 tuổi).

ĐÀO HẰNG - NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp