• Zalo

Hưng 'kính' và đàn em dắt nhau vào tù, nữ tiểu thương lo sợ không được yên ổn làm ăn

Pháp luậtThứ Sáu, 26/07/2019 12:28:00 +07:00Google News

Sau khi HĐXX tuyên Hưng "kính" và đàn em tổng cộng 17 năm 6 tháng tù giam, bị hại không kháng cáo nhưng bày tỏ lo lắng về an toàn của gia đình và công việc.

Sáng 26/7, phiên tòa xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội) kết thúc với mức án 17 năm 6 tháng tù dành cho ông trùm Hưng "kính" và 4 đàn em.

Bị hại Nghiêm Thúy Nga (SN 1981, trú tại Ba Đình, Hà Nội; kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên) cùng một số người thân là những người cuối cùng rời tòa. Khi chị Nga vừa ra tới cửa, con của một bị cáo nán lại gửi lời xin lỗi thay cha mình. 

Về mức án đối với các bị cáo, chị Nga nói không quan tâm nhiều và không kháng cáo. Điều chị lo lắng nhất bây giờ là sự an toàn của bản thân và gia đình cũng như việc kinh doanh ở chợ.

"Mức án cao hay thấp đối với tôi cũng không quan trọng, tuy nhiên sau phiên tòa này có điều gì đó bất an với tôi hoặc công việc bị cản trở hay bị áp lực nào đó thì tôi sẽ có đơn gửi lên tòa án tiếp", chị Nga chia sẻ.

nghiem-thuy-nga (2) 4

 Bị hại Nghiêm Thúy Nga chia sẻ điều chị lo lắng nhất bây giờ là sự an toàn của bản thân và gia đình cũng như việc kinh doanh ở chợ.

Luật sư Trương Anh Tú - người bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho biết, mức án dành cho các bị cáo nặng hay nhẹ là quyết định của tòa án, tuy nhiên, đánh giá chung theo Khoản 2 thì hơi nhẹ, nhưng đây không phải là vấn đề lớn.

"Vấn đề lớn mà chúng tôi từng nêu ra trong vụ án là công tác quản lý chợ đầu mối của của cả nước, đó là cái quan trọng nhất", luật sư Tú nhấn mạnh và cho biết sau khi kết thúc phiên tòa, cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho chị Nga và gia đình.

"Cơ quan công an địa phương và Ban quản lý chợ Long Biên phải có trách nhiệm bảo vệ chị Nga. Nếu còn tiếp tục xảy ra mất an toàn đối với chị Nga thì sẽ là vấn đề đáng lo ngại về an ninh trật tự", luật sư Tú nói.

Trước đó, TAND TP Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", sinh năm 1963, ở Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) 4 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng về tội Cưỡng đoạt tài sản. 

Bị cáo Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, 49 tuổi) nhận mức án 3 năm tù.

Ba bị cáo còn lại gồm Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, 56 tuổi), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, 57 tuổi), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, 51 tuổi) cùng nhận mức án 3 năm 6 tháng tù.

hung-kinh-va-dong-bon

Hưng "kính" và đồng bọn tại phiên tòa vào sáng 26/7.

Trong bản án, chủ tọa đánh giá các bị cáo thành khẩn khai báo hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.

HĐXX có đủ căn cứ xác định để tăng thu nhập, Hưng "kính" chỉ đạo đồng phạm lấy danh nghĩa tổ bốc dỡ số 2 để chèn ép, đe dọa gây khó khăn cho tiểu thương chợ Long Biên.

Từ ngày 14/3 đến 1/9/2018, Hưng chỉ đạo đồng phạm thu của chị Nga hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp cho ban quản lý chợ hơn 3 triệu.

Quá trình điều tra, đàn em của Hưng khai từ tháng 1 đến tháng 9/2018, họ được chia tổng số tiền hơn 46 triệu đồng.

HĐXX xác định hành vi của 5 bị cáo gây bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, gây hoang mang dư luận nên áp dụng các hình phạt nói trên.

Clip: xã hội "đen" lộng hành ở chợ Long Biên: Đình chỉ 1 thành viên trong tổ bốc xếp của Hưng "kính"

Trước đó, tại phiên tòa ngày 25/7, bị cáo Nguyễn Kim Hưng không nhận tội như trong cáo trạng nêu. Hưng "kính" cho rằng mình không tham gia vào việc "bảo kê" hay chèn ép tiểu thương.

Tuy nhiên, trái với lời khai tại tòa của bị cáo Hưng, bị cáo Nguyễn Kim Long, Dương Quốc Vương, Nguyễn Hữu Tiến thừa nhận việc "bảo kê" là làm theo chỉ đạo của Hưng.

Tại tòa, bị hại Nghiêm Thúy Nga cho rằng 5 bị cáo không thành khẩn khai báo hết số tiền đã chiếm đoạt. Theo bị hại, để ép tiểu thương nộp tiền, nhóm của Hưng đã cho người nghiện ma túy nhảy lên xe tải để uy hiếp.

"Người nhảy lên xe đó tên Cường, nghiện ma túy rất nặng. Anh ta lúc nào cũng nhảy lên xe trong trạng thái phê ma túy", bị hại nói.

Bị hại Nga cho hay bị 5 bị cáo, trong đó có bị cáo Lê Thanh Hải nhiều lần uy hiếp tinh thần, chửi bới bằng những lời lẽ và hành động không thể chấp nhận được.

Trước những chèn ép của Hưng "kính", chị Nga 5 lần gửi đơn đến Ban quản lý chợ Long Biên nhưng không giải quyết dứt điểm tình hình.

Khi chủ tọa hỏi về việc đề nghị các bị cáo bồi thường đối với những tổn thất gây ra, chị Nga tiếp tục khóc. Theo bị hại, vì những áp lực quá lớn do các bị cáo gây ra, chị đã 2 lần có ý định tự tử. Sau phiên tòa này, chị cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình.

"Với số tiền thất thoát và tổn hại tinh thần thì không gì bù đắp. Tôi đề nghị tòa xét xử theo đúng quy định của pháp luật", chị Nga nói và cho biết các bị cáo chưa thành khẩn.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ thái độ thành khẩn, gửi lời xin lỗi gia đình bị hại là vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga. Các bị cáo mong mỏi HĐXX xem xét giảm tội để sớm quay trở về xã hội và gia đình. 

Theo cáo trạng, năm 2008, vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga và anh Hoàng Anh Hà (Ba Đình, Hà Nội) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên thường xuyên bị các nghi can trên đe dọa, chèn ép để bắt phải nộp nhiều loại tiền bảo kê.

Ngày 10/8/2018, chị Nga gửi đơn tố giác Hưng "kính" và các nhân viên trong tổ bốc dỡ cưỡng đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng lên Công an TP Hà Nội.

Từ tố cáo của chị Nga, cơ quan chức năng điều tra và xác định: Từ 14/3/2018 đến 1/9/2018, lợi dụng công việc của mình, Hải, Long, Vương thu của chị Nga số tiền hơn 35 triệu đồng.

Trong đó, chỉ có hơn 7,5 triệu đồng là tiền nhân viên tổ dịch vụ bốc dỡ số 2 tham gia bốc dỡ hàng hóa, còn lại là tiền “bãi”, tức là tiền không bốc dỡ, bắt ép chị Nga phải nộp và chiếm đoạt.

Để gây sức ép, buộc chị Nga phải nộp tiền, Hưng "kính" chỉ đạo đàn em sử dụng nhiều thủ đoạn như: đuổi xe, đuổi nhân viên của chị Nga, không cho tự bốc dỡ; bắt ép chị Nga phải nộp tiền bốc dỡ hàng hóa dù không bốc dỡ hàng; kéo cá thối đặt cạnh ki ốt của chị Nga nhằm cản trở việc kinh doanh; tăng tiền thu đối với dịch vụ bốc dỡ hàng hóa của chị này…

Nguyễn Hữu Tiến nhận của Hải, Long và Vương số tiền hơn 35 triệu đồng, song chỉ nộp về Ban quản lý chợ hơn 10 triệu đồng. Cơ quan công an xác định, Tiến phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 24 triệu đồng không nộp về Ban quản lý chợ Long Biên. Tiến đồng phạm với Hưng, Hải, Long, Vương về hành vi chiếm đoạt hơn 28 triệu đồng của các nạn nhân.

Đối với việc chị Nga, anh Hà khai từ năm 2010 đến năm 2017 bị Hưng "kính" chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, Hưng không thừa nhận.

Do chỉ có lời khai của chị Nga, anh Hà mà không có chứng cứ chứng minh nào khác nên CQĐT cho rằng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hưng ở điểm này. Cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra, làm rõ, xử lý sau.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn