Sáng 25/7, Toà án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, 56 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm) và 4 đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo hình thức bảo kê tại chợ đầu mối Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội).
4 đàn em bị đưa ra xét xử cùng Hưng gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, 49 tuổi), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, 56 tuổi), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, 57 tuổi), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, 51 tuổi).
Bị hại trong phiên xét xử là vợ chồng tiểu thương Nghiêm Thuý Nga (SN 1981) và chồng là Hoàng Anh Hà (SN 1972) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Tại phiên toà hôm nay, tất cả các bị cáo đều có mặt.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Long là người được HĐXX gọi lên xét hỏi đầu tiên. Bị cáo Long thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội truy tố.
Long thừa nhận hành vi sai phạm của mình khi thu tiền "bảo kê" của các hộ kinh doanh nhưng không bốc dỡ hàng cho tiểu thương. Tuy nhiên, Long nói mình không có hành vi gây khó khăn, chèn ép. Long cho rằng đây là thực hiện theo hợp đồng bốc dỡ hàng hóa giữa tổ bốc dỡ và tiểu thương chợ Long Biên.
"Tất cả công việc bị cáo làm đều thực hiện theo lệnh của Tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng và báo cáo lại trong buổi họp giao ban sáng”, bị cáo Long trả lời chủ tọa phiên tòa về lý do tại sao lại thu tiền của chị Nga nhưng không bốc dỡ hàng.
Tuy nhiên khi chủ tọa yêu cầu đối chứng lời khai của bị cáo Long, bị hại Nghiêm Thúy Nga lập tức bác bỏ lời khai của Long. Bị hại Nghiêm Thúy Nga cho rằng lời khai của Long không đúng sự thật.
Theo bị hại, để ép tiểu thương nộp tiền, nhóm của Hưng đã cho người nghiện ma túy nhảy lên xe tải để uy hiếp.
"Người nhảy lên xe đó tên Cường, nghiện ma túy rất nặng. Anh ta lúc nào cũng nhảy lên xe trong trạng thái phê ma túy", bị hại nói.
Bị hại Nga cho hay bị 5 bị cáo, trong đó có bị cáo Lê Thanh Hải nhiều lần uy hiếp tinh thần, chửi bới bằng những lời lẽ và hành động không thể chấp nhận được.
"Tôi bị các bị cáo chửi bới trước mặt chủ mối hàng. Tôi nhiều lần phải vào trong quầy hàng khóc vì uất ức và đã 2 lần tôi uất ức muốn tự tử", chị Nga cho biết.
Đến khoảng 11h cùng ngày, HĐXX quyết định dừng phiên tòa và đến 13h30 mở lại phiên xét xử.
Theo cáo trạng, năm 2008, vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga và anh Hoàng Anh Hà (Ba Đình, Hà Nội) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên thường xuyên bị các nghi can trên đe dọa, chèn ép để bắt phải nộp nhiều loại tiền bảo kê.
Ngày 10/8/2018, chị Nga gửi đơn tố giác Hưng "kính" và các nhân viên trong tổ bốc dỡ cưỡng đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng lên Công an TP Hà Nội.
Từ tố cáo của chị Nga, cơ quan chức năng điều tra và xác định: Từ 14/3/2018 đến 1/9/2018, lợi dụng công việc của mình, Hải, Long, Vương thu của chị Nga số tiền hơn 35 triệu đồng.
Trong đó, chỉ có hơn 7,5 triệu đồng là tiền nhân viên tổ dịch vụ bốc dỡ số 2 tham gia bốc dỡ hàng hóa, còn lại là tiền “bãi”, tức là tiền không bốc dỡ, bắt ép chị Nga phải nộp và chiếm đoạt.
Video: Phức tạp hoạt động bảo kê chợ Long Biên
Để gây sức ép, buộc chị Nga phải nộp tiền, Hưng "kính" chỉ đạo đàn em sử dụng nhiều thủ đoạn như: đuổi xe, đuổi nhân viên của chị Nga, không cho tự bốc dỡ; bắt ép chị Nga phải nộp tiền bốc dỡ hàng hóa dù không bốc dỡ hàng; kéo cá thối đặt cạnh ki ốt của chị Nga nhằm cản trở việc kinh doanh; tăng tiền thu đối với dịch vụ bốc dỡ hàng hóa của chị này…
Nguyễn Hữu Tiến nhận của Hải, Long và Vương số tiền hơn 35 triệu đồng, song chỉ nộp về Ban quản lý chợ hơn 10 triệu đồng. Cơ quan công an xác định, Tiến phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 24 triệu đồng không nộp về Ban quản lý chợ Long Biên. Tiến đồng phạm với Hưng, Hải, Long, Vương về hành vi chiếm đoạt hơn 28 triệu đồng của các nạn nhân.
Đối với việc chị Nga, anh Hà khai từ năm 2010 đến năm 2017 bị Hưng "kính" chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, Hưng không thừa nhận.
Do chỉ có lời khai của chị Nga, anh Hà mà không có chứng cứ chứng minh nào khác nên CQĐT cho rằng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hưng ở điểm này. Cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Bình luận