Võ cổ truyền Việt Nam được khởi dựng trong gian nguy, hoàn thiện qua thử thách, và là một phần oanh liệt của lịch sử, một chứng nhân cho tinh thần quả cảm, sáng tạo của dân tộc ta.
Ngày nay, võ cổ truyền Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống, thống nhất với hơn một trăm phái võ trong cả nước. Việc tuyển chọn các bài võ tiêu biểu được tiến hành cẩn trọng, khách quan và khoa học, hội tụ được tinh hoa võ học nước nhà.
Mỗi bài quyền đều có một giai thoại, xuất xứ, có sức sống bền bỉ lâu đời, hàm chứa những đòn thế tuyệt kỹ. Và Hùng Kê Quyền chính là một trong những bài võ tiêu biểu ấy.
Từ chọi gà...
Chọi gà là một trò chơi dân gian phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, trò chơi này đã xuất hiện từ thời nhà Lý, do những quân sĩ của Lý Thường Kiệt đem về sau những cuộc chinh phạt Chiêm Thành.
Quan sát cách giao đấu của gà với chiếc khoeo gối ngược, người ta có thể tìm ra các thế võ hiểm – ví như cú đá ngược gập khoeo chân của võ thuật hiện hành – hoặc tìm ra cách thăng bằng trọng tâm để luôn giành thế thượng phong, rồi ép địch thủ vào thế hạ phong. Rồi từ thế lấn cổ của gà có thể tìm ra cách sử dụng cổ tay đu đẩy và linh giác của võ.
Xem các tuồng tích trên sân khấu hát bội hoặc cải lương, thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy cảnh sau một chập giao đấu nơi chiến trường, 1 trong 2 vị tướng bỗng dưng bỏ chạy 1-2 vòng rồi bất ngờ xoay người đâm thương ngược trở lại phía sau để hạ gục đối thủ đang mải mê đuổi theo.
Ở trường gà cũng thế, quần thảo, chèo kéo lẫn nhau một hồi, bỗng một con rút đầu ra giả thua bỏ chạy, con kia “tưởng bở” rượt theo. Không ngờ, con gà đang chạy bất ngờ dừng chân, quay đầu lại đá thật mạnh vào đầu, cổ, mắt, thân đối phương đang bất cẩn xông đến. Lãnh đủ một vố đau như vậy, không chịu nổi, con gà đuổi theo bị loại khỏi vòng chiến, bằng không cũng suy giảm thể lực…
Thì ra, chú gà đã giở trò trá bại (giả thua) để chơi cú hồi mã thương - miếng võ sở trường của dòng họ La (nổi tiếng nhất là La Nghệ, La Thành, La Thông) trong truyện Thuyết Đường của Trung Quốc.
Trên đấu trường, chúng ta thấy võ sinh thu chân phải vòng qua gối trái để tọa tấn (tấn ngồi), xoay người một vòng ngược chiều kim đồng hồ rồi đứng lên và cùng lúc 2 tay chụp thẳng tam công (ngón trỏ, giữa và cái) vào mặt đối thủ đang xông đến. Hoặc từ đinh tấn, võ sinh nhảy lùi về sau trụ chân phải, chân trái co lên cao, sau đó xoay người, hạ chân trái xuống và xỉa thẳng 2 tay về phía trước. Đó chính là những cú hồi mã thương.
... đến Hùng Kê Quyền
Sách Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao viết: "Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tính nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông theo học văn nhiều hơn võ. Tuy nhiên, ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên đề môn miên quyền.
Nguyễn Lữ được thầy giáo Hiến (thầy Trương Văn Hiến, một bậc trượng phu văn võ song toàn, từ xứ Nghệ An lưu lạc vào đất An Thái, nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, Bình Định) chân truyền cho môn miên quyền.
Đất nước có chiến tranh thì việc tu luyện võ học, nâng cao khả năng phòng vệ để bảo vệ biên cương luôn là nhu cầu bức thiết và được đề cao.
Theo yêu cầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lúc bấy giờ, phải làm sao trong thời gian ngắn huấn luyện cho các nghĩa quân Tây Sơn tinh thông võ nghệ theo phương châm: Yếu có thể đánh mạnh/Thấp có thể đánh cao/Nhỏ có thể đánh lớn/Ít có thể đánh nhiều. Và yêu cầu bức thiết đó đã khiến Nguyễn Lữ không thể thờ ơ.
Clip: Hùng kê quyền của võ sư Ngô Bông
Chuyện kể rằng, khi 3 anh em nhà Tây Sơn bí mật chiêu mộ anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa, một lần nọ lúc xem 2 chú gà chọi nhau vào dịp Tết, trong đó có một con nhỏ hơn đối thủ nhưng biết vận dụng yếu thế "nhỏ con" của mình để triệt hạ đối phương.
Bằng thiên tư võ thuật của mình, Nguyễn Lữ đã thị sát, nghiền ngẫm, nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa để rồi tạo ra các thế lặn hụp, tránh né đến phản công.
Cuối cùng ông đã chắt lọc, sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê quyền. Cùng thời gian này, người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ vang danh với môn Nghiêm thương, Tứ Môn kiếm, Tứ Môn côn - những môn võ sử dụng binh khí rất đặc thù. Còn nữ tướng Bùi Thị Xuân lại nổi tiếng với bộ Tuyết Hoa Song kiếm và Song Phượng kiếm...
*Còn nữa... Kỳ II: Oai phong võ gà
Bình luận