Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 1959, chuyển đổi mô hình quản lý năm 1999 và năm 2015 tiến hành tổ chức lại hoạt động theo luật HTX năm 2012.
Hợp Tiến là một trong các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có truyền thống trong phong trào HTX đã được Đảng, nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quí, đặc biệt năm 2000, HTX vinh dự được tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới”.
Hiện nay HTX đang thực hiện 9 khâu dịch vụ trong đó có 7 dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đó là: làm đất, thủy lợi cắt cỏ nạo vét kênh mương, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu), trông coi điều tiết nước bảo vệ đồng điền, điều tra sâu bệnh, diệt chuột, thu hoạch.
2 dịch vụ khác là: Dịch vụ tín dụng nội bộ và dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, doanh thu của HTX năm 2019 đạt trên 6,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 125 triệu và ước thực hiện năm 2020 doanh thu đạt 7 tỷ đồng.
HTX luôn duy trì ổn định đời sống cho trên 50 lao động làm việc thường xuyên trong HTX, ngoài ra HTX thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. HTX đã và đang làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ thành viên sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Quyết chia sẻ, những năm qua, được sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, HTX đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống lò sấy thóc công suất đạt 700 - 800 tấn/vụ, 11 máy gặt đập liên hoàn, 10 máy chuyên làm đất, để phục vụ nhu cầu sản xuất của các thành viên, với mức phí thấp hơn 20 - 40% thuê ngoài, đầu tư hệ thống giàn gieo mạ khay, 02 máy cấy Kubota hàng công nghệ Nhật Bản để triển khai chuyển dịch từ giao xạ sang cấy máy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ thuốc diệt cỏ.
Năm 2012, HTX thực hiện thành công đề án dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Đến nay, tổng diện tích HTX tích tụ được 70ha đất 2 lúa của các hộ thành viên không có nhu cầy sản xuất hoặc không có lao động và HTX tiến hành thuê lại đất với mức giá cao để tổ chức triển khai sản xuất tập trung và triển khai các mô hình như vụ mùa năm 2019, vụ chiêm xuân, vụ mùa năm 2020.
Được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ mỗi vụ sản xuất 10 ha lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa khâu mạ khay, cấy máy theo Nghị quyết 39 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình, bước đầu cho hiệu quả tương đối tốt.
Ưu điểm dễ nhận thấy của cách làm này là cây lúa sinh trưởng tốt, đồng đều, bông lúa to và dài, hạt chắc, mẩy, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, giải phóng công lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, năng suất tăng từ 10-12% so với phương pháp gieo thẳng hoặc cấy truyền thống.
Để gia tăng giá trị sản xuất và thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, HTX đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại rau màu ngắn ngày, phục vụ xuất khẩu, điển hình như dưa bao tử, nấm, ngô ngọt, cà chua bi… mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần trồng lúa.
Song song với việc triển khai các hoạt động dịch vụ, hợp tác xã còn đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tổ chức thu mua từ 500-700 tấn/vụ lúa tươi thương phẩm, triển khai sấy và xuất cho các doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết.
Bên cạnh đó, HTX luôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của các hộ thành viên trong hợp tác xã.
Hợp tác xã thực hiện liên kết với các đối tác ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đầu vào phân bón, lúa giống và đầu ra là bao tiêu sản phẩm nông sản của các hộ thành viên.
Hiện nay, hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến đã kỹ kết hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang Hưng Yên; HTX 770 Trường Sơn Thăng Bình Quảng Nam xuất từ 300-500 tấn/vụ về lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, công ty TNHH Á Châu (Tam Điệp, Ninh Bình), để bao tiêu ngô, dưa bao tử và khoai tây... cùng với đó hợp đồng dịch vụ với hộ thành viên và khách hàng sản xuất và tiêu thụ các loại cây rau màu, dưa bao tử, cà chua, bí xanh...
Qua đó, thành viên yên tâm sản xuất theo kế hoạch của hợp tác xã và được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nhất là đầu ra của sản phẩm luôn được ổn định thông qua hợp đồng.
Để đạt được thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh như trên, Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tạo điều kiện từ các chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh thông qua Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 39 của HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đề án 22 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2015-2020 cũng như tập trung phát huy nội lực, huy động lực từ các thành viên của hợp tác xã, đầu tư cơ sở hạ tầng kênh, mương, máy móc, kho vật tư sản phẩm và trụ sở làm việc,…đảm bảo chất lượng phục vụ thành viên và khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.
Mô hình hợp tác xã nông nghiệp mặc dù là mô hình kinh tế thích hợp với trình độ sản xuất của kinh tế hộ hiện nay, nhưng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là môi trường tâm lý xã hội chưa được nhìn nhận đánh giá vai trò kinh tế hợp tác xã, chưa được sự quan tâm kịp thời của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Quyền thực hiện mục tiêu hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã vẫn còn rào cản hoạt động hợp pháp.
Trong thời gian tới, hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến hy vọng được tham gia nhiều hoạt động hướng tới các hợp tác xã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản để tạo các nguồn lực mới phát triển Hợp tác xã, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Bình luận