Giám đốc điều hành Ban Thư ký Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) Kairat Sarybay trả lời PV VTC News về những nội dung hợp tác giữa Việt Nam và CICA trong thời gian tới.
- Ông đánh giá thế nào về hợp tác giữa CICA và ASEAN? Vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ này?
Việt Nam luôn nỗ lực trong vấn đề đảm bảo hòa bình, an ninh trên thế giới. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), vào năm 2010 thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới.
Tôi đánh giá cao việc Việt Nam tham gia và có những đóng góp quan trọng tại Diễn đàn CICA. Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thiết lập quan hệ giữa CICA và ASEAN.
Hiện nay, Diễn đàn CICA có 3 nước thành viên và 4 nước quan sát viên đều là nước thành viên ASEAN. Đây cũng là tiền đề tốt để thúc đẩy hai tổ chức CICA và ASEAN hợp tác chặt chẽ với nhau cùng phát triển. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa những sáng kiến đã được đưa ra, nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CICA.
Việc tham gia vào Diễn đàn CICA sẽ góp phần giúp Việt Nam thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước cũng như vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu không chỉ của quốc gia mà còn của cả khu vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
- Theo ông, Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực nào để có thể thúc đẩy hiệu quả hoạt động của CICA?
Là một Diễn đàn gồm 27 thành viên với rất nhiều tổ chức, cơ quan trực thuộc và hoạt động trong 18 lĩnh vực, CICA mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức và cơ quan của CICA với các tổ chức, cơ quan của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Trong cuộc gặp và làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội lần này, tôi và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã thống nhất trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều hoạt động hợp tác giữa CICA và các tổ chức của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam có thể giới thiệu các nhà lãnh đạo có năng lực và uy tín tham gia vào Hội đồng các nhà lãnh đạo CICA; giới thiệu các Học viện, trung tâm nghiên cứu của Việt Nam tham gia Diễn đàn các cơ quan nghiên cứu chiến lược của CICA; tăng cường giao lưu, trao đổi sinh viên, thanh niên giữa các nước trong khu vực. Tôi luôn đặt nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ lãnh đạo trẻ vì họ là những nhân tố có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của thế giới.
Ngoài ra, tôi cho rằng Việt Nam và CICA có thể triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế thương mại, đầu tư, giáo dục, phát triển công nghệ sạch, đảm bảo an toàn môi trường, hỗ trợ nhân đạo...
Với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc và chính sách đối ngoại nhấn mạnh vào sự phát triển cân bằng giữa các nước trong khu vực của Việt Nam, CICA mong muốn Việt Nam sẽ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ các nước thành viên CICA có nền kinh tế kém phát triển hơn, tạo sự phát triển đồng đều, cân bằng giữa các nước.
- Xin ông cho biết mục đích và các hoạt động chính trong chuyến thăm Việt Nam lần này?
Mục đích chính trong chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi là trao thư mời chính thức của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tới Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị thượng đỉnh CICA dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2022 tại thủ đô Nursultan, Kazakhstan.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi sẽ có các cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, lãnh đạo và chuyên gia của Học viện Ngoại giao Việt Nam nhằm trao đổi ý kiến về hoạt động của CICA và các vấn đề xây dựng lòng tin và an ninh trong khu vực Châu Á. Tôi hy vọng rằng, trong chuyến thăm lần này, với nỗ lực của cá nhân mình, tôi có thể góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Diễn đàn CICA và Việt Nam.
Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam và được chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ của Việt Nam. 10 năm trước tôi đến Việt Nam lần đầu tiên với tư cách là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kazakhstan tham dự kỳ họp Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước và chủ trì buổi gặp Liên Chính phủ hai nước về kinh tế thương mại.
Sau 10 năm quay lại, tôi nhận thấy Việt Nam thay đổi rất nhiều, tôi thực sự không còn nhận ra hình ảnh Việt Nam của 10 năm về trước. Việt Nam ngày hôm nay có tốc độ phát triển vượt bậc, những thành tựu mà Việt Nam đạt được ngày nay có sự nỗ lực rất lớn của các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao Việt Nam. Họ đã rất tích cực tham gia và có nhiều đóng góp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế.
CICA được thành lập vào năm 1992 theo sáng kiến của cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng ở châu Á và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên trên những lĩnh vực như an ninh, kinh tế-tài chính, phát triển bền vững, môi trường, y tế, năng lượng, công nghệ thông tin, nhân đạo, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia...Đây là diễn đàn liên chính phủ khu vực để đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin và thông qua các quyết định, biện pháp về các vấn đề an ninh ở châu Á trên cơ sở đồng thuận. Hiện CICA có 27 nước thành viên và 8 quan sát viên, trong đó Việt Nam là thành viên CICA từ năm 2010.
Bình luận