1. Nguyễn Hồng Sơn (Canh Tuất 1970)
Nhắc đến đội tuyển Việt Nam thế hệ những năm cuối thế kỷ XX, người hâm mộ không thể không nghĩ tới cái tên Nguyễn Hồng Sơn. Cựu tiền vệ mang áo số 8 đã xây dựng nên danh tiếng cũng như gặt hái vô số thành công trên sân cỏ. Người ta nói vui rằng, có 3 điều khó nhất liên quan đến Hồng Sơn. Một là thống kê bàn thắng, hai là đếm lời khen và ba là kèm anh trên sân cỏ.
Danh thủ tuổi Tuất này đã có đưọc gần như tất cả mọi danh hiệu mà một cầu thủ mơ ước, từ 2 lần đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam (1998 và 2000), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương lao động hạng Ba đến phần thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất Tiger Cup 1998 và đặc biệt là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á vào tháng 8/1998.
Tài hoa trên sân cỏ là vậy nhưng Hồng Sơn lại có một cuộc sống gia đình khá kín tiếng. Sau khi treo giày, anh cũng lui về ở ẩn với công tác đào tạo trẻ, dìu dắt các thế hệ sau bước vào nghiệp bóng đá.
2. Trần Công Minh (Canh Tuất 1970)
Cùng thế hệ Vàng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng,… Công Minh là thủ lĩnh, là đầu tàu của đội tuyển Việt Nam. Anh thi đấu ở vị trí hậu vệ phải và được xem là một trong những hậu vệ cánh xuất sắc nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Công Minh cũng là một thành viên chủ chốt của đội tuyển Việt Nam từ năm 1995 đến 2000.
Năm 1999, cựu hậu vệ của đội tuyển Việt Nam giành được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Công Minh cũng có được một số danh hiệu Quả bóng Bạc và Đồng ở các năm trước. Sau khi giải nghệ vào năm 2002, Trần Công Minh chuyển sang công tác huấn luyện.
Kể từ năm 2003, Công Minh chuyển sang công tác huấn luyện. Suốt hơn 10 năm với các vị trí khác nhau trên cabin huấn luyện từ Đồng Tháp, Long An, năm 2015, anh được VFF mời làm trợ lý cho HLV Miura ở ĐTQG và U23 Việt Nam. Cuối năm ấy, Công Minh làm HLV trưởng, dẫn dắt đội Cà Mau trước khi trở lại Đồng Tháp dẫn dắt đội bóng.
3. Dương Hồng Sơn (Nhâm Tuất 1982)
Chức vô địch AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển Việt Nam cách đây 10 năm về trước in đậm dấu ấn của Dương Hồng Sơn. Anh thi đấu xuất sắc, trở thành chốt chặn quan trọng giúp đoàn quân của HLV Henrique Calisto vượt qua một loạt các đối thủ mạnh, trong đó có Thái Lan để chinh phục chiếc cúp vàng mơ ước.
Cũng nhờ sự vững vàng và khả năng phản xạ xuất thần trong khung gỗ khi ấy, Hồng Sơn đã được bình chọn Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008 đồng thời ẵm luôn Quả bóng vàng Việt Nam trong thời điểm bấy giờ.
Trên sân cỏ là vậy nhưng nội tâm và con người của Dương Hồng Sơn là tập hợp của một chuỗi mâu thuẫn. Trông gã có bề ngoài ngang tàng, ngổ ngáo, bất cần, hơi “điên điên” nhưng nội tâm lại là một người đàn ông dễ gần, chung thủy, hơi lụy tình, trọng chữ Tín kiểu “quân tử Tàu”.
Cái ào ạt, dữ dội bên ngoài qua những hình xăm, lối chơi xe có thể khiến người ta đánh giá nhanh gã thuộc típ cầu thủ tay chơi, nhưng thực sự, Dương Hồng Sơn luôn biết điểm dừng, biết tính toán căn cơ trong việc tiêu xài từng đồng tiền mà bóng đá đem lại.
4. Nguyễn Công Phượng (Giáp Tuất 1994)
Sinh đầu năm 1995 nhưng tính theo lịch âm, Công Phượng ở những ngày cuối năm Giáp Tuất (theo âm lịch). Dù mới chỉ 23 tuổi nhưng sự nghiệp của Công Phượng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: thăng hoa có, thất bại cũng không tránh khỏi.
Trưởng thành ở Học viện HAGL - Arsenal JMG khoá I, Công Phượng bùng nổ trong màu áo đội U19 Việt Nam. Pha đi bóng trong rừng chân của 6 cầu thủ U19 Australia trước khi dứt điểm tung lưới đối phương đã đưa anh sang một ngã rẽ khác của sự nghiệp.
Video: Công Phượng và Đức Huy đón sinh nhật sau trận tứ kết gặp U23 Iraq
Sự quan tâm quá lớn từ người hâm mộ và giới truyền thông khiến Công Phượng luôn có hai hình ảnh khác biệt trong và ngoài sân cỏ.
Anh vẫn thi đấu năng nổ, hoạt bát và là “người không phổi” trong đội hình U19, U23 Việt Nam và HAGL. Song khi bước ra ngoài đời thường, Phượng có phần khó gần, lạnh lùng và ít nói. Dẫu vậy khi gặp những bạn bè, người thân, cái chân chất, mộc mạc, giản dị và vui tính lại được Công Phượng thể hiện một cách thoải mái, vô tư, không nghĩ ngợi.
5. Phạm Đức Huy (Giáp Tuất 1994)
Sau HLV Toshiya Miura, ông thầy ngoại Park Hang Seo đã làm sống dậy sự nghiệp ở cấp đội tuyển trẻ quốc gia của Đức Huy. Từ một cái tên thường được triệu tập nhờ đa năng, Đức Huy đã khẳng định giá trị của mình ở tuyến giữa U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018. Sự năng nổ, mạnh mẽ, thi đấu không biết mệt mỏi của Đức Huy mang đến sự cơ bắp, quyết liệt nơi hàng tiền vệ đội bóng áo đỏ.
Sôi nổi và có phần dữ dội trên sân cỏ, tính cách của Đức Huy vẫn giữ nguyên cái chất ngang tàng, thẳng thắn, mạnh mẽ ngoài cuộc sống. Cũng chính bởi cái tính “thẳng như ruột ngựa” khi bình luận trên mạng xã hội mà Đức Huy vô hình trung trở thành thần tượng trong lòng các cổ động viên nữ.
Bình luận