• Zalo

Hóng hớt và ác ý, BBC Việt ngữ đang phá hoại giá trị cốt lõi của BBC

Ý kiếnThứ Hai, 30/08/2021 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với cách đưa tin hóng hớt, thiên vị, có phần ác ý, hằn học về Việt Nam gần đây, BBC Tiếng Việt đang đi ngược lại giá trị mà hãng tin theo đuổi.

Thời gian gần đây, BBC tiếng Việt đã làm cho tôi hoàn toàn thất vọng và nghĩ phải tránh xa những thứ độc hại mà họ đưa hàng ngày về tình hình trong nước.

Là hãng thông tấn quốc gia lâu đời nhất thế giới và cũng là một trong những hãng thông tấn lớn nhất, BBC (Vương quốc Anh) luôn tự hào về những giá trị mà họ theo đuổi khiến cho thông tin họ cung cấp trở nên đáng tin cậy, như một bài báo viết về mình đăng trên BBC Tiếng Việt: "Trang web của chúng tôi, cùng tivi và radio, hướng tới báo chí chính xác, trung lập, độc lập, công bằng.... Chúng tôi độc lập, trung lập, chân thực. Chúng tôi quyết tâm đạt chuẩn mực chính xác, trung lập cao nhất... Cam kết của chúng tôi về trung lập là trọng tâm của mối quan hệ niềm tin".

Nhưng tôi không thấy điều đó trong nhiều bài báo được đăng tải trên BBC Tiếng Việt thời gian gần đây cũng như cách dẫn dắt thông tin trên fanpage của họ, nhất là những bài về Việt Nam và tình hình chống dịch COVID-19 ở đất nước này. 

Ở giai đoạn trước, khi thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam khiến thế giới ngạc nhiên và đánh giá là một hiện tượng để phân tích, tìm hiểu, tôi gần như không thấy trên hệ thống BBC Tiếng Việt những nội dung khách quan ghi nhận sự hiệu quả của các chính sách chống dịch tại Việt Nam. Hiện nay, khi dịch diễn biến căng thẳng do sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm Delta, người ta thấy những cây bút của BBC Tiếng Việt tích cực triển khai các nội dung ác ý: Chỉ tập trung xoáy vào những hạn chế, tiêu cực, như lượng mắc mới "kỷ lục" (tại Việt Nam, so với trước đây), số người tử vong (mà không nói rõ tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc), hay những phát ngôn bị "bứng" riêng ra khỏi ngữ cảnh để bình luận...

Hóng hớt và ác ý, BBC Việt ngữ đang phá hoại giá trị cốt lõi của BBC - 1

Chẳng hạn, khi dẫn lại lời của Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM đăng trên Báo Dân trí, fanpage của BBC Tiếng Việt cố tình ngắt riêng lời phát biểu về việc hạn chế hú còi xe cứu thương "ngày đêm" (để tránh tạo tâm lý hoang mang không đáng có). Trong bài đăng này, họ đưa ra câu hỏi dẫn dắt để điều hướng độc giả tới những bình luận mỉa mai, sai lệch.

Ở một trường hợp khác, độc giả đều hiểu ý của Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ông phát biểu: "Chủ tịch phường là chỉ huy trưởng trong trận đánh này". Tuy nhiên, fanpage của BBC Tiếng Việt lại trích riêng câu nói này để... bình luận theo hướng xuyên tạc, bóp méo kiểu "sao tướng quân đội lại cho rằng chỉ huy trận đánh là bên dân sự?".

Đừng nói rằng, do "hoạt động trên mạng xã hội" nên họ (BBC Việt ngữ) phóng ngôn như vậy. Tư duy làm nội dung nói trên hiện diện ở nhiều bài báo trên trang của họ.

Trong bài báo nói về việc quân đội tham gia chống dịch ở TP.HCM, BBC rút tít phụ "Người dân nói gì trên mạng" như một vế đối với tít phụ "Báo chí trong nước đưa tin" phía trên, nhưng "ý kiến người dân" mà họ trích đăng hoàn toàn một chiều, không đại diện cho số đông, có những phát biểu thiếu hiểu biết hoặc cố tình không hiểu như "mang quân đội vào làm gì?".

Sự ác ý khi lựa chọn góc nhìn, nhân vật cũng như cách viết của BBC Việt ngữ cũng thể hiện trong một bài báo nói về việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở TP.HCM. Trong khi phần lớn người dân thành phố động viên nhau vượt qua khó khăn, hiểu rằng giãn cách chính là bảo vệ mình và cộng đồng thì tác giả đặt cái tít xuyên tạc bản chất sự việc và cố tình đẩy người dân và chính quyền ra hai phía: "Phong tỏa TP.HCM: Họ còn giam mình đến bao giờ".

Bài báo cũng nói về cảm giác "ngộp thở" khi phải vượt qua nhiều chốt kiểm soát dịch đi mua một món quà tặng để nói về "tự do" một cách cực kỳ khiên cưỡng và buồn cười. Trong khi, đó không phải cảm giác của người dân thành phố. Và giãn cách xã hội là một trong những biện pháp chống dịch mà nhiều nước trên thế giới, cả phương đông lẫn phương tây, đã và đang áp dụng, với lực lượng giám sát thực hiện và hình thức phạt những người vi phạm.

Rõ ràng, đó không phải là cách làm báo tử tế, không phải trung lập và khách quan như những giá trị mà BBC tự hào là thuộc về mình, nó thể hiện sự hằn học thấy rõ. Từ những dòng trạng thái trên fanpage đến các bài báo trên web, BBC Tiếng Việt nhiều lần để lộ sự thiếu thiện ý. Đó là kiểu khi thấy "nhà người ta có chuyện" thì góp lời đâm chọc một cách có chủ ý và thiếu tính xây dựng, thậm chí như cố tình phá rối, làm phức tạp thêm tình hình.

Một khi đã ác ý, báo chí không còn là chính mình nữa bởi như đã nói ở trên, điểm cốt lõi của báo chí khiến cho ngành này trở nên đặc biệt hơn tất thảy các ngành truyền thông khác chính là sự khách quan.

Nhưng tôi vẫn tin rằng cách đưa tin hằn học đó không phải chủ trương của hãng BBC mà chỉ là vấn đề của Ban Tiếng Việt. Dường như những người làm nội dung ở bộ phận này quên rằng trong thời đại thế giới thông tin ngày càng phẳng, sự hiểu biết, đánh giá của độc giả cũng trở nên toàn diện và đầy đủ. Họ sẽ sớm nhận ra đâu là cách đưa tin "có mùi".

Và thực tế, nhiều người mà tôi biết, cả ở tầng lớp tinh hoa trí thức lẫn nhân viên văn phòng bình thường, cho hay họ đã thôi đọc BBC Tiếng Việt.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Quốc Dân
Bình luận
vtcnews.vn