• Zalo

Hơn 700 sinh viên Nông nghiệp học khởi nghiệp

Giáo dụcThứ Bảy, 16/05/2015 09:09:00 +07:00Google News

Chương trình “Giao lưu và tiếp lửa Khởi nghiệp Nông nghiệp 2015” tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của hơn 700 thanh niên – sinh viên.

(VTC News)-Chương trình “Giao lưu và tiếp lửa Khởi nghiệp Nông nghiệp 2015” tại Hội trường Nguyễn Đăng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của hơn 700 thanh niên – sinh viên.

Phát biểu chào mừng, thầy Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp cho biết, qua Chương trình Khởi nghiệp, các bạn sinh viên đã thể hiện được niềm đam mệ, trí tuệ, sức sáng tạo, nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ.

Bản thân nhà trường cũng nhận thức được rằng cần phải thay đổi chương trình đào tạo để làm sao đào tạo được nhiều đối tượng thay vì chỉ đào tạo cán bộ phục vụ nhà nước như chương trình đào tạo cách đây 30 năm, đặc biệt là đào tạo về nông nghiệp.

Khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay không chỉ đơn giản là biết nuôi gia cầm, trồng cây cối…mà cái quan trọng là phải ươm mầm, tạo ra được các doanh nhân.
 Thầy Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp.
Thầy Cường bày tỏ hy vọng thông qua Chương trình Khởi nghiệp, các bạn sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ có những đóng giúp quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, góp sức vào sự lớn mạnh, phồn vinh của đất nước, xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ thầm mong muốn.

Phần giao lưu và "tiếp lửa" Khởi nghiệp Nông nghiệp đã thu hút sự quan tâm của nhiều thanh niên, sinh viên với sự tham gia của các vị khách mời gồm: ông Bạch Quốc Thắng – Đại diện HĐQT Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, bà Đinh Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Phát triển hội viên, Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hà, ông Đinh Trọng Nguyên - Giám đốc Công ty Cổ phần Liên minh Phú Gia.

Xin hỏi chị Đinh Thị Thu Hoài: Phụ nữ khi kinh doanh thường kinh doanh những mặt hàng làm đẹp, giáo dục, y tế, dịch vụ thương mại,… Tại sao chị lại chọn ngành nghề thi công xây dựng, vật liệu xây dựng? Chị có thấy nó khô khan và khó không?

Chị Đinh Thị Thu Hoài: Tôi rất vui được giao lưu với các bạn hôm nay và tôi cảm thấy mình như được trẻ ra khi thấy các bạn. Chúng ta nên bắt đầu khởi nghiệp từ những gì chúng ta có. Tôi bắt đầu từ những thứ tôi có vì chồng tôi theo ngành này. Tôi nghĩ không phải ngành xây dựng nào cũng khô khan.

Thưa anh Đinh Trọng Nguyên, nhắc đến kinh doanh người ta thường hay kể đến các chuyên ngành về khối kinh tế, quản trị kinh doanh. Vậy theo anh, các bạn sinh viên học ngành Nông nghiệp có thuận lợi gì khi khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mình được học hay không?

Anh Đinh Trọng Nguyên: Có thể nói ngành nông nghiệp là một ngành mũi nhọn vì có 80% lực lượng lao động trong ngành này. Nguồn lực của Việt Nam là nông nghiệp. Trước đây, nông nghiệp chưa phát triển. 
Hiện nay nông nghiệp đã được ứng dụng công nghệ cao. Do đó, ngành nông nghiệp đã được phát triển và các bạn sinh viên nông nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực này.

Xin hỏi anh Bạch Quốc Thắng, hiện tại, anh cũng đang kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh có thể cho biết những kiến thức chuyên môn đã được học trong nhà trường có vai trò như thế nào trong quá trình kinh doanh?

Anh Bạch Quốc Thắng: Tôi nghĩ, nông nghiệp là một ngành học tốt. Kiến thức chuyên môn về ngành học là rất quan trọng. Khi ra trường, các kiến thức được học sẽ áp dụng vào kinh doanh rất nhiều. Cũng như tôi, kiến thức về ngành học thú y đã giúp tôi rất nhiều trong kinh doanh.

Với vai trò là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Nội – tổ chức tập hợp các doanh nhân nữ, các doanh nghiệp do giới nữ làm chủ, chị có đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp do các nữ doanh nhân làm chủ? Trong quá trình khởi nghiệp, các nữ doanh nhân thường gặp những khó khăn gì, thưa chị?
 Chị Đinh Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Phát triển hội viên, HộNữ Doanh nhân Hà Nội,GĐ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hà
Chị Đinh Thị Thu Hoài: Các bạn phải xác định đã dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh thì phải sẵn sàng làm việc 20h/ngày, sẵn sàng cho tâm lý sẽ không có đồng nào trong tay vì khi kinh doanh không phải khi nào cũng thành công. Chúng ta có thể sống không có internet, không có các dịch vụ khác nhưng nếu không có gạo, thực phẩm trong 2 đến 3 ngày thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta sẽ bị rối loạn.

Do đó các bạn sinh viên cần tự tin rằng đây là ngành quan trọng, tuy nhiên các bạn cũng phải sẵn sàng đối mặt với nhiều khó khăn.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Phong đánh giá như thế nào về tiềm năng, cơ hội thành công của các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn kinh tế hiện nay?

Anh Nguyễn Hồng Phong:
Sinh viên nông nghiệp tham dự chương trình rất đông thể hiện quyết tâm khởi nghiệp. Tôi nghĩ các bạn có mặt ngày hôm nay sẽ là lãnh đạo trong ngành nông nghiệp trong tương lai. Tôi cũng xin chia sẻ câu chuyện của chúng tôi qua chuyến khảo sát tại I-xa-ren.

Trước khi đi, chúng tôi tưởng tượng nền nông nghiệp tại nước này hơn Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định với thế giới rằng nền nông nghiệp của đất nước ta đang trên đường phát triển nhờ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào nước ta.

Tôi hi vọng các bạn sinh viên ở đây đã có khát vọng rồi thì các bạn cần có những kiến thức vững chắc để có thể khởi nghiệp thành công.

Em là nữ, đang học khoa Thú y, vậy cơ hội tìm việc làm của em có khó không? (Em Hằng - Sinh viên Khoa Thú y)

Anh Nguyễn Hồng Phong: Nếu bạn cứ nghĩ rằng sẽ khó có việc làm sau khi học xong thì bạn sẽ không bao giờ thành công. Bạn phải làm thế nào để doanh nghiệp phải tìm đến bạn. Đó là khi học, bạn cần phải có tâm huyết và cần có sự chuyên cần trong học tập bởi chính các doanh nghiệp chúng tôi đang đi tìm  những người có tâm huyết và đam mê trong lĩnh vực mình học.
Học sinh đưa ra những câu hỏi thắc mắc.
Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, bọn em thường nghĩ tương lai mình sẽ làm gì? Nếu khởi nghiệp thì em cần trang bị cho mình những gì? Các doanh nhân có thể đưa ra lời khuyên cho chúng em? (Nguyễn Văn Vũ)

Anh Bạch Quốc Thắng: Nếu khởi sự nghiệp thì tất cả các bạn đều phải khởi sự nghiệp, nhưng khởi nghiệp kinh doanh thì chỉ có một số bạn. Sau khi ra trường, bạn nên đi làm thuê để tìm ra được kiến thức cơ bản để có thể thành lập và xây dựng được một doanh nghiệp nhỏ. Do vậy, một người bình thường thì nên khởi sự nghiệp đã để học hỏi và có kinh nhiệm.

Anh Nguyễn Hồng Phong: Cơ hội của đất nước chúng ta là vô cùng lớn bởi rất nhiều người đã thành đạt rồi. Chính vì những cơ hội đó mà cần phải làm từ những việc rất nhỏ, sau này các bạn mới có thể làm được các việc lớn khác.

Chị Đinh Thị Thu Hoài: Có rất nhiều động lực để các bạn kinh doanh bởi kinh doanh sẽ có rất nhiều tiền đem lại hạnh phúc cho bạn và gia đình bạn, ngoài ra bạn còn được cộng đồng biết đến. Nhưng khi kinh doanh thì nó cũng sẽ cướp đi của chúng ta nhiều thứ như hạnh phúc, bạn bè...nếu chúng ta không biết dung hòa giữa công việc và cuộc sống. Không những thế, kinh doanh nếu không thành công còn làm chúng ta trở nên trắng tay.

Em muốn hỏi lao động nông nghiệp chiếm 60% mà cơ cấu ngành Nông nghiệp chỉ có 20%. Vậy doanh nhân tìm vấn đề đó như thế nào? (Nguyễn Thanh Tùng - Khoa Quản lý Đất đai)

Ông Nguyễn Hồng Phong:
Tôi đánh giá cao câu hỏi của bạn, Bác Hồ đã nhìn vào cơ vận của đất nước để vận hành khoán 10. Hiện nay có khá nhiều lao động đã được vào các nhà máy. Nên ngành nông nghiệp của chúng ta cần phải chuyển dịch từ cánh đồng nhỏ lẻ sang các cánh đồng lớn. Chúng ta đừng ngại chuyển dịch bởi đó là quy luật của tự nhiên. Chính vì thế cơ cấu đã giảm xuống. Tôi hi vọng nông dân Việt Nam sẽ giàu có vì như thế đất nước ta mới có thể giàu có.

Bà Đinh Thị Thu Hoài: Nếu nông nghiệp thành công thì chúng ta cần tìm ra lời giải đó là năng suất. Ở Israel, ngành nông nghiệp rất thành công bởi người ta đã nghiên cứu để làm sao năng suất luôn ở mức cao. Các bạn cần nghiên cứu làm sao cho con tôm, con cá của chúng ta không bị hóa chất.

Sau buổi giao lưu là phần giới thiệu cuộc thi Khởi nghiệp 2015 và kêu gọi đầu tư. ThS Vũ Ngọc Huyên - Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban CTCT và CTSV, trưởng Ban tổ chức Học viện Nông nghiệp cho rằng, Chương trình Khởi nghiệp là sự quyết tâm và sự đồng lòng của nhà trường với các em sinh viên. 2 năm vừa qua mới chỉ là bắt đầu.
ThS Vũ Ngọc Huyên
Ông Huyên mong muốn các bạn thanh niên - sinh viên phải có ý tưởng và phải có quyết tâm cho dù có vấp ngã thì vẫn phải đứng dậy để đi tiếp.

Chương trình Khởi nghiệp đã thực sự góp phần hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về lập dự án kinh doanh cho sinh viên, giúp các em định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị trước một kỹ năng khởi nghiệp trước khi ra trường, biết cách chủ động tạo dựng sự nghiệp thành đạt trong cuộc sống.

Thầy Huyên cũng cho biết thêm, qua nhận xét, đánh giá của Hội đồng Giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp 2014, Ban tổ chức nhận thấy có rất nhiều dự án sinh viên không chỉ có ý tưởng độc đáo, sáng tạo mà còn mang ý nghĩa xã hội cao. Đặc biệt các giải nhất, nhì, ba của Khởi nghiệp Nông nghiệp 2014 đều đạt giải cao của Khởi nghiệp quốc gia 2014.

Thầy Huyên bày tỏ mong muốn Chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp nói riêng, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia nói chung sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, doanh nhân, các thầy cô giáo, các nhà khoa học và các em sinh viên để tiếp tục phát triển sâu rộng đi vào thực tiễn hơn trong  năm 2015.
 Ths Nguyễn Tất Thắng.
Cũng tại buổi giao lưu, Ths Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng ban CTCT và CTSV Học viện Nông nghiệp đã đưa ra thể lệ cuộc thi.


Bình luận
vtcnews.vn