Ngày 29/3, hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) ở Myanmar cho biết có 14 người thiệt mạng cùng ngày trong các cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự. Số người được xác định là đã chết vào “ngày đẫm máu nhất” hôm 27/3 tăng lên 141 người. Tới nay, nước này đã ghi nhận ít nhất 510 người chết liên quan đến phong trào biểu tình.
Theo thông tin của AAPP, trong số những người thiệt mạng hôm thứ Hai (29/3) có ít nhất 8 người ở vùng ngoại ô Dagon của thành phố Yangon. Hai người khác thiệt mạng trong vụ xả súng ở thị trấn Myingyan, miền Trung Myanmar.
Theo lời các nhân chứng, lực lượng an ninh tại Dagon nhiều lần sử dụng vũ khí hạng nặng để dẹp bỏ rào chắn do người biểu tình dựng bằng bao cát. Hiện chưa rõ cụ thể loại vũ khí được sử dụng.
Một nhóm cộng đồng đã đăng tải hình ảnh binh lính Myanmar sử dụng súng phóng lựu.
Truyền hình nhà nước Myanmar đưa tin lực lượng an ninh nước này sử dụng "vũ khí chống bạo động" để giải tán đám đông "những kẻ khủng bố bạo lực". Cảnh sát và quân đội hiện chưa phản hồi về thông tin này.
Hãng tin Kachinwaves cho biết một vụ giao tranh đã nổ ra tại mỏ ngọc bích Hpakant ở phía Bắc Myanmar hôm Chủ nhật (28/3) khi các máy bay chiến đấu của tổ chức Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tấn công một đồn cảnh sát.
Nói về tình hình ở Myanmar, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Tom Andrews bày tỏ phản đối hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các tướng lĩnh của Myanmar dừng việc đàn áp biểu tình và trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Mỹ cũng lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực gây chết người ở Myanmar. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết nước này quyết định đình chỉ tất cả giao dịch thương mại với Myanmar.
Bình luận