• Zalo

Hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk sắp bị mất việc: Giáo viên sống với thu nhập 1 triệu đồng

Giáo dụcThứ Hai, 12/03/2018 15:57:00 +07:00Google News

Với mức thu nhập khoảng 1-2 triệu đồng, ngoài giờ lên lớp, giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) phải buôn bán thêm mới đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Như VTC News phản ảnh qua bài Hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk nhận tin sắp bị mất việc, ngày 11/3, tại UBND tỉnh Đắk Lắk, chị Hồ Thị Ngọc Dung - giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) cho biết, đi dạy hợp đồng nhiều năm qua, lương ba cọc ba đồng nên mỗi sáng em bán thêm nồi cháo để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình.

"Ở địa phương, nhiều người chưa hiểu hết áp lực của những người làm ngành sư phạm như em mỉa mai nói em làm nghề giáo viên cao quý mà lại bon chen. Họ không hiểu, lương tụi em chỉ đủ đổ xăng, nuôi sống bản thân... Cuộc sống gia đình thì thiếu thốn đủ thứ. Vì yêu nghề, quý mến học sinh nên chúng em cố gắng. Giờ nghe tin sắp phải nghỉ dạy rồi, không biết phải sống dựa vào đâu. Cuộc sống đã khó, giờ càng khó", dứt lời chị Dung bật khóc.

Video: Giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bức xúc trước thông tin sắp bị nghỉ việc

Không chỉ riêng chị Dung, theo chia sẻ của một số giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ngô Mây, khi vừa ký hợp đồng dạy, chúng em nhận đầy đủ các chế độ của ngành giáo dục. Tuy nhiên, từ tháng 6-12/2015, họ bị cắt giảm các chế độ của vùng 3. Tiếp đó, từ tháng 1-6/2016, các giáo viên chỉ nhận được lương cơ bản là 2,3 triệu đồng.

Tháng 7/2016 là thời gian nghỉ hè, họ không được trả lương; tháng 8, chỉ nhận được 1 triệu đồng, tháng 9 bị rơi vào tình trạng nợ lương và từ tháng 10/2016 bắt đầu nhận lương theo đợt 4 tháng 1 lần.

"Số tiền ấy, chúng em cố gắng chắt chiu lắm mới nuôi sống nổi bản thân. Nhiều khó khăn, nhưng mọi người đã yêu nghề giáo và thương các học sinh nên ngậm ngùi chấp nhận, giờ thì...", một số giáo viên chia sẻ.

29004406_778391969036902_526893827_n-2054599

Nhiều giáo viên bức xúc khi nghe tin sắp bị chấm dứt hợp đồng lao động. (Ảnh: NC)

Trước đó, UBND huyện Krông Pắk tổ chức cuộc họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục dẫn đến dư thừa hơn 600 giáo viên.

Một giáo viên công tác gần 7 năm tại huyện Krông Pắk bức xúc nói: "Tôi có thâm niên gần 7 năm công tác, giờ đột nhiên bị mất việc. Tôi rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk quan tâm, tạo điều kiện cho hàng trăm giáo viên nơi đây tiếp tục công tác. Cuộc sống của các giáo viên nơi đây đã khó khăn lắm rồi, nếu mất việc không biết cuộc sống sẽ ra sao".

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vẫn chưa nhận công văn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

"Liên đoàn lao động tỉnh vẫn theo sát vụ việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc để bảo vệ quyền lợi người lao động. Ngoài ra, sau khi có kết quả xử lý cụ thể của UBND tỉnh Đắk Lắk, trường hợp giáo viên nào bị xâm hại trái quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động”, ông Tuấn nói.

Như VTC News đưa tin, ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 200 giáo viên trên tổng số gần 600 giáo viên dôi dư tại huyện này.

Trong khi đó, đợt tuyển giáo viên biên chế sắp tới, toàn huyện Krông Pắk chỉ có 83 chỉ tiêu. Ngay sau khi thông báo, hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng và các giáo viên nằm trong diện nguy cơ mất việc đã tới UBND huyện Krông Pắk để phản ứng.

Trước tình hình này, sáng 11/3, Ban thường vụ Huyện ủy Krông Pắk đã tổ chức họp khẩn để nghe báo cáo của UBND huyện về vấn đề này. Tham dự buổi họp có lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk và các sở ngành liên quan.

Trước đó, từ 2011-2016, huyện Krông Pắk liên tục ký hợp đồng lao động đối với hơn 600 giáo viên, nhân viên trường học.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kết luận sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong vấn đề tuyển dụng giáo viên nơi đây.

Trong kết luận sai phạm, Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk.

Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk do ký hợp đồng với giáo viên; yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên thừa theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về nội dung kết luận nêu trên của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố được thanh tra, trong đó có Đắk Lắk thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vi phạm, khuyết điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra, báo cáo Chính phủ trước 1/4/2018.

THANH HẢI
Bình luận