Chiều 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức họp triển khai ứng phó với bão số 3 (Yagi) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Báo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam), cho biết, trước diễn biến của bão số 3, ngày 2 và 3/9, Bộ Quốc phòng đã ban hành 3 công điện cho toàn quân thực hiện ứng phó.
Trong đó, tập trung vào một số công việc trọng tâm như: duy trì ứng trực; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các điểm nguy hiểm, sẵn sàng di dời người dân; sẵn sàng lực lượng để ứng phó khi bão vào...
"Hiện nay, Bộ Quốc phòng sẵn sàng 425.079 cán bộ, chiến sĩ và trên 4.000 tàu thuyền, máy bay cùng các phương tiện khác để ứng phó bão số 3", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nói.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các Quân khu 1, 2, 3, 4 và 5 quyết liệt triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, tập trung nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phòng ngừa, ứng phó với bão.
Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo bộ đội biên phòng tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp thông báo, kêu gọi phương tiện hoạt động trên biển tránh trú bảo đảm an toàn, đặc biệt là các lồng bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực nguy hiểm.
"Chúng tôi đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để quyết liệt triển khai biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú với tinh thần "mưa dầm thấm lâu". Đặc biệt là phải tuyên truyền mạnh với các chủ tàu, kiên quyết di dời Nhân dân từ nơi nguy hiểm đến an toàn", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhấn mạnh.
Cũng cho ý kiến về công tác kêu gọi ngư dân vào nơi tránh trú bão, Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay, đơn vị đã yêu cầu bộ đội biên phòng các tỉnh hỗ trợ địa phương kiểm tra, nắm chắc những địa điểm dễ ngập úng, lũ quét, di dời Nhân dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, lồng bè...
Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, TP Đà Nẵng... có số lượng lớn tàu thuyền hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông, bộ đội biên phòng sẽ trực tiếp gặp gỡ chủ tàu, thuyền, kiên quyết kêu gọi di chuyển để đảm bảo an toàn.
"Hiện nay các đơn vị bộ đội biên phòng từ Quảng Ninh đến Phú Yên duy trì trực 3.567 cán bộ, chiến sĩ/259 phương tiện các loại, sẵn sàng tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra", Đại tá Nguyễn Văn Khanh nói.
Song, theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Cụ thể là hệ thống thông tin kết nối đã cũ, lạc hậu, dẫn đến công tác thông báo, tuyên truyền gặp khó.
Cùng với đó, một số ngư dân hoạt động ở vùng biển xa thường dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tự dự đoán bão, từ đó giữ tư tưởng chủ quan, không chấp hành các hướng dẫn, chỉ đạo của lực lượng chức năng. "Nhiều trường hợp, yêu cầu di chuyển thì di chuyển chậm, vừa đi vừa tranh thủ đánh bắt", Đại tá Nguyễn Văn Khanh nêu thực tế.
Bình luận