“Thủ tướng đã đồng ý cho hơn 300 thương nhân này nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại Lục Ngạn, nhưng phải đảm bảo quy định cách ly 14 ngày để phòng dịch COVID-19”, ông Nam chia sẻ tại buổi thông tin báo chí về phương án tiêu thụ vải thiều sáng 30/5.
Theo phương án của huyện Lục Ngạn, ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc sẽ được tổ chức đón, đưa về các khu cách ly. Hiện tại huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón các thương nhân Trung Quốc đến mua vải cách ly phòng dịch COVID-19. Hết thời gian cách ly, những thương nhân Trung Quốc sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được giao dịch thu mua vải thiều bình thường tại Bắc Giang.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ vải chính của Lục Ngạn. Trong bối cảnh dịch COVID-19, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã lập danh sách hơn 300 thương nhân Trung Quốc và có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạo điều kiện cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều.
“Phía Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số đối với toàn bộ vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và 299 doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở được công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu chính ngạch quả vải thiều tươi vào thị trường này”, ông Nam cho hay.
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, năm 2020 huyện duy trì khoảng 15.300ha vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000ha. Do thời tiết không thuận lợi nên tỉ lệ vải ra hoa chỉ đạt khoảng 65% diện tích. Diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 11.000ha, GlobalGAP khoảng 100ha.
Dự báo sản lượng đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn. Hiện toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 415 tấn vải chín sớm, giá bán ở mức cao, trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/kg... Vải chính vụ thu hoạch từ giữa tháng 6 tới.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện Lục Ngạn đã lên 3 phương án tiêu thụ vải thiều. Hiện huyện đang thực hiện theo phương án 2 với kịch bản dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng chưa hết dịch.
Trong phương án này, sản lượng tiêu thụ vải thiều tươi ở trong nước khoảng 34.000 tấn, xuất khẩu 36.000 tấn và 15.000 tấn khác phục vụ chế biến nước ép, sấy.
Vẫn theo ông Nam, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức được 71 lớp tập huấn, tổ chức cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ký cam kết thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly.
Bình luận