Tối 30/6, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 của gần 105.000 học sinh.
Được biết, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000, chiếm 55,7%, cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên. Tương đương hơn 30.000 học sinh sẽ không có cơ hội vào học tại các trường công lập.
Trong trường hợp không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có những lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề; các trường ngoài công lập.
Theo phân luồng của Sở GD-ĐT Hà Nội, tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 23,2%. Tuyển sinh vào trung tâm GDNN - GDTX khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%.
Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm GDNN - GDTX liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT) khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%.
Đứng trước nhiều vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh cần là chỗ dựa, là cây cầu đưa ra phương hướng giúp con em mình lựa chọn con đường đúng đắn.
Theo bà Hoàng Thị Thu Nhiên, chuyên gia tâm lý - Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds chia sẻ, khi biết kết quả, nhiều cha mẹ rất hài lòng và vui sướng nếu điểm con đạt kỳ vọng. Ngược lại, nhiều cha mẹ tỏ ra sụp đổ khi biết điểm của con. Những cha mẹ có thái độ bình thản chỉ chiếm số nhỏ.
Bà Nhiên phân tích, con đạt kết quả như mong đợi khiến cha mẹ hạnh phúc muốn cho mọi người cùng biết. Việc tự hào này trở nên thái quá khi việc khoe thành tích của con kèm theo những lời gây hấn hoặc tự phụ, có ý khiêu khích những cha mẹ có con chưa đạt kết quả như ý… chỉ để thoả mãn sự hài lòng vượt ngưỡng của mình.
Mặt khác, sự thái quá của cha mẹ khiến các con có những phản ứng trái chiều. Có con sẽ học theo sự thái quá này của cha mẹ để trở nên tự phụ; có con lại cảm thấy xấu hổ vì cha mẹ tự ý khoe mình thái quá, khiến con có tâm lý "xấu hổ"... Tất cả đều không tốt với trẻ.
"Những cha mẹ khác lại tỏ ra tiêu cực, xấu hổ, thất vọng vì kết quả của con. Phải giấu nhẹm kết quả, bực mình khi thấy cha mẹ khác khoe thành tích của con họ. Và cuối cùng, là sự khó chịu với con mình, nói những lời kiểu chỉ trích "con nhà người ta"… khiến con mình thành nạn nhân của kỳ thi, vô tình kích hoạt trong con cảm giác tủi hổ (tủi thân, xấu hổ), đẩy con vào việc tự oán trách bản thân và mất niềm tin vào chính mình. Điều này khiến tâm trạng con cái ảnh hưởng nặng nề.
Các cha mẹ nên tỉnh táo trong cách phản ứng của mình. Cha mẹ vừa là nơi để con sẻ chia, là nơi con tìm đến an toàn trong tâm trí, là nguồn để con tự hào về điểm mạnh của mình và không bị dày vò cảm xúc tội lỗi do con chưa làm tốt nhất như mong muốn.
Hãy làm chỗ dựa cho con nếu con chưa đạt kết quả như ý. Con chúng ta đã rất cố gắng rồi. Tương lai của con không phụ thuộc 100% vào kết quả kỳ thi vào lớp 10 nên con thực sự cần sự đồng hành, sẻ chia của cha mẹ từ lúc này", bà Nhiên cho hay.
Nhìn theo hướng tích cực, mọi thứ sẽ tích cực
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, với chỉ tiêu Hà Nội đưa ra, việc nhiều học sinh không đỗ vào trường công lập là hết sức bình thường. Cha mẹ - những người thân cận bên các con, nên bình tĩnh và thấu hiểu con mình hơn, thay vì thể hiện cảm xúc tiêu cực trước mặt con. "Bởi các em là người buồn nhiều nhất trong câu chuyện này", PGS Nam nói.
Cũng theo PGS Nam, việc cha mẹ thể hiện cảm xúc tiêu cực khi kết quả và mọi việc "sự đã rồi", cũng sẽ không giải quyết vấn đề được như mong muốn. Thay vì thế, cha mẹ hãy tìm phương án khác tối ưu hơn. Chẳng hạn, hướng con vào những trường tư phù hợp với mong muốn, điều kiện kinh tế của gia đình, hoặc đăng ký vào trường giáo dục thường xuyên cũng là một lựa chọn.
"Hiện tại, giáo án ở các trường công, tư đều giống nhau. Mặt khác, ở trường tư các con còn được tham gia nhiều hoạt động thực tế hơn, từ đó giúp các con có nhiều trải nghiệm, kiến thức", PGS Nam cho hay.
Bình luận