• Zalo

Thi vào 10: Bố mẹ nên chấp nhận việc con vấp ngã và dạy trẻ cách đứng lên

Tuyển sinhThứ Tư, 13/07/2022 10:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bên cạnh những lời chúc với thí sinh thi đỗ vào lớp 10, đâu đó vẫn còn sự nuối tiếc của những sĩ tử và cả gia đình khi chưa đạt được thành tích như mong đợi.

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho rằng, sau mỗi kỳ thi rất nhiều thí sinh gặp phải các vấn đề tâm lý do chưa đạt được kết quả như mong đợi. Những học sinh này đang trải qua một giai đoạn không hề dễ dàng, ngay cả với người trưởng thành, khi đã trải qua rất nhiều áp lực trong cuộc sống, nhưng những lúc khó khăn vẫn cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi.

Với một tâm hồn còn non nớt, chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, việc các em học sinh ở độ tuổi THCS, THPT nếu phải chịu quá nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, gia đình nội ngoại 2 bên, từ thầy cô và kỳ vọng của chính bản thân các em, nếu không thi đỗ, các em sẽ cảm thấy như tất cả sụp đổ. Lúc này, nếu có thêm bất kỳ tác động nào khác lên tâm lý các em đều có thể dẫn đến những hành động không sáng suốt, thậm chí sai lầm của trẻ.

Thi vào 10: Bố mẹ nên chấp nhận việc con vấp ngã và dạy trẻ cách đứng lên - 1

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương đang dần khép lại với nhiều cảm xúc khác nhau. (Ảnh minh họa)

Bà Bùi Thị Hải Yến cho biết, thực tế rất nhiều trẻ phải đến gặp bác sĩ tâm lý sau các kỳ thi, không chỉ là những kỳ thi chuyển cấp quan trọng mà có cả những kỳ kiểm tra thường xuyên như giữa học kỳ, cuối kỳ.

Theo chuyên gia, việc trẻ rơi vào những rối loạn tâm lý trong giai đoạn này hay không phụ thuộc vào các em có đang chịu áp lực, kỳ vọng từ nhiều phía hay không và đó có phải là một kỳ thi có ý nghĩa quan trọng hay không. Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ có những chỉ số thông minh về cảm xúc, chỉ số thông minh về nội tâm khác nhau, nếu khả năng quản trị cảm xúc của trẻ không tốt, sẽ rất dễ rơi vào những mâu thuẫn nội tâm và gặp phải nhiều vấn đề tiêu cực về tâm lý.

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến những trạng thái tâm lý tiêu cực của học sinh sau mỗi kỳ thi, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cho rằng, nhiều em còn có thói quen hay so sánh bản thân mình với người khác, một số có tâm lý “hiếu thắng”, cảm thấy khó chịu nếu thua kém bạn bè…

“Hay một số em thường bị bố mẹ, thầy cô thường xuyên không ghi nhận khả năng, thậm chí chỉ trích, bạo hành bằng ngôn ngữ, khiến các em có cảm giác mình không có giá trị và coi việc thất bại trong kỳ thi như một minh chứng cho điều đó. Khi đó, những khó chịu tâm lý hoàn toàn có thể khởi phát mạnh mẽ hơn. Hoặc cũng có những em do được quá nuông chiều, bao bọc, chưa có nhiều thử thách về mặt tâm lý, nên nghĩ mọi việc đương nhiên là luận lợi. Khi các em chưa từng phải chịu bất cứ áp lực nào, đến khi tham gia vào một kỳ thi lớn và nhận về một kết quả không như mong đợi thì việc các em bị tổn thương về mặt tâm lý là điều dễ xảy ra”, bà Bùi Thị Hải Yến chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, khi được đặt lên vai một kỳ vọng rất lớn nhưng lại không thể hoàn thành tốt, ngoài tâm lý không hài lòng với chính mình, một số trẻ còn có cả những nỗi sợ, sợ bị đánh giá, phán xét, sợ bị bạo hành bằng lời nói thậm chí là đòn roi.

Trong các kỳ thi quan trọng, nếu như thất bại, thì những trẻ thuộc các nhóm trên sẽ càng dễ hoang mang, khủng hoảng và dễ có những quyết định không tỉnh táo ở thời điểm đó.

Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng, bất cứ sự kỳ vọng, yêu thương hay nuông chiều quá mức thậm chí là đồng hành cùng con nhưng không đúng cách cũng có thể khiến các con rơi vào khủng hoảng tâm tý khi gặp thất bại.

Đừng bắt trẻ phải mang cả ước mơ của cha mẹ

Từ thực tế cuộc sống, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến cho rằng, một số phụ huynh vẫn có thói quen so sánh con mình với “con nhà người ta”. Không chỉ trẻ nhỏ, mà ngay cả người lớn cũng không thích việc bị so sánh với bất kỳ ai, đây là điều tuyệt đối nên tránh làm với con trẻ.

Bên cạnh đó, cũng chính sự kỳ vọng của cha mẹ cũng là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của các em trong kỳ thi. Vẫn có những bậc phụ huynh thậm chí đặt cả những ước mơ, khao khát mà bản thân chưa thể thực hiện lên vai các con. Hay một số phụ huynh vẫn cho rằng, con mình được đầu tư tốt từ nhỏ, do vậy việc đạt được thành tích nổi trội hơn các bạn phải là điều đương nhiên. Với những tư duy như vậy, bố mẹ đang đặt những kỳ vọng quá lớn lên vai con, khiến trẻ áp lực.

“Hãy yêu thương con vô điều kiện và cho con là chính mình, mỗi con sẽ có một tài năng khác nhau, tố chất khác nhau, tố chất đó nếu bố mẹ không phát hiện ra và lại đưa cho con một kỳ vọng đi lệch với năng lực vốn có của con, thì phải chăng chính bố mẹ đang làm lụi tàn đi tài năng của con em mình. Bên cạnh đó, việc đưa cho con những đề bài quá khó khiến con không thể phát triển cũng sẽ khiến cuộc sống của con căng thẳng hơn rất nhiều”, chuyên gia chia sẻ.

Chấp nhận vấp ngã

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội) cho rằng, xét cho cùng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng chỉ là một cuộc thi, các em học sinh được học rất nhiều nội dung nhưng lại chỉ thi 3 môn, do đó không thể chỉ nhìn vào kết quả của kỳ thi này để đánh giá năng lực, phẩm chất của con người một cách thực sự. Thực tế đã chứng minh có nhiều học sinh dù không đỗ vào trường công lập nhưng các em vẫn trưởng thành tốt. Bởi vậy, phụ huynh hãy coi đó là một cuộc chơi thử sức của con, nếu cuộc chơi này chưa thành công thì vẫn còn những cơ hội khác.

Thi vào 10: Bố mẹ nên chấp nhận việc con vấp ngã và dạy trẻ cách đứng lên - 2

(Ảnh minh họa)

Cho rằng, cuộc đời còn nhiều thử thách, có những lúc thành công và cả những lúc thất bại, thầy Hòa nhắn nhủ các bậc phụ huynh nên chấp nhận việc có những lúc con sẽ vấp ngã, dạy trẻ phải biết đứng lên sau mỗi lần thất bại.

“Nếu không dạy con cách đứng lên mà lúc nào cũng gây áp lực cho trẻ thì sẽ có nhiều hậu quả không thể lường trước, vì ở độ tuổi này, trẻ thường có những hành động mà chúng ta không thể ngờ và thực tế đã từng xảy ra. Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh, cùng con rút kinh nghiệm từ thất bại và đừng dùng chữ “thi trượt””, thầy Hòa nói.

Theo thầy Hòa, việc quan trọng nhất lúc này là chọn trường phù hợp cho con, cánh cổng trường THPT công lập không phải là duy nhất, khi vẫn có rất nhiều trường tư thục, trường nghề, miễn đó là môi trường phù hợp với trẻ.

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, bà Bùi Thị Hải Yến nhắn nhủ tới các thí sinh rằng, nếu các em có đang chưa đạt được những mục tiêu đầu tiên hay gặp phải những thất bại đầu đời, thì hãy nhớ rằng cuộc sống đủ dài để đứng dậy và khắc phục cho những điều làm chưa tốt.

Cuộc đời không đủ dài để trì hoãn, nhưng đủ dài để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã để hoàn thiện bản thân mình hơn, tất cả đều là trải nghiệm cuộc sống. Những kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại rất quý báu, giúp các em trưởng thành hơn sau này. Mỗi lần thất bại là một cơ hội để phát triển bản thân mình tốt hơn, để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

“Hãy cho phép bản thân mình được sai, tha thứ cho chính mình và từ đó rút ra bài học, chinh phục tốt hơn những điều cần chinh phục để thành công trong tầm tay. Sau mỗi lần chưa đạt được ý nguyện thì hãy luôn đặt câu hỏi, bài học của tôi là gì, tôi có thể làm gì cho chính mình? Nếu vậy chắc chắn các em sẽ gặp những điều tốt hơn trong tương lai”, bà Bùi Thị Hải Yến nói.

Nguyễn Trang/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp