• Zalo

Hơn 12,5 triệu người Việt mang trong mình căn bệnh mang tên 'kẻ giết người thầm lặng'

Sức khỏeThứ Tư, 04/12/2019 14:10:00 +07:00Google News

Tại nước ta, cứ 4 người trưởng thành lại có một người mắc bệnh này, tương đương khoảng 12,5 triệu người, tuy nhiên, có tới 60% người chưa được phát hiện.

Hơn 91.000 người Việt chết vì tăng huyết áp mỗi năm

Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm, là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không có triệu chứng điển hình, nhiều người mắc mà không biết. GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhận định tăng huyết áp ngày càng phổ biến, trở thành một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay.

Tại Việt Nam, 25% dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Tỷ lệ này ở thành thị là 33% và nông thôn là 17%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hóa. Tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam là 47%, nghĩa là gần 2 người thì có 1 người mắc bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới, ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 17 triệu ca thiệt mạng do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca là do biến chứng của tăng huyết áp, nhiều hơn tổng dân số của TP.HCM năm 2019.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế và mất sức lao động mỗi năm.

Tại Việt Nam tăng huyết áp là nguyên nhân khiến khoảng 91.000 người thiệt mạng hàng năm, chiếm 31% tổng số ca tử vong. Đây được coi là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các ca thiệt mạng do bệnh tim mạch (41%) và đột quỵ (51%).  

Một nghiên cứu tại Viện Tim mạch Quốc gia chỉ ra rằng, cứ 10 người đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có tăng huyết áp. 

Vấn đề đáng quan tâm hơn là nhiều người còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Bộ Y tế cho hay, gần 60% người mắc tăng huyết áp chưa được phát hiện bệnh và chỉ có 14% bệnh nhân mắc bệnh này được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định.

Đến hết năm 2015, quản lý bệnh tăng huyết áp mới chỉ thực hiện ở khoảng 12% số trạm y tế xã. Đây cũng là lý do chính làm cho số người mắc bệnh được phát hiện và quản lý điều trị còn ít. 

VTC.Tang huyet ap

  Ảnh: Đo huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TL)

6 khuyến cáo quan trọng để dự phòng bệnh nguy hiểm

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp tuy nguy hiểm nhưng dự phòng rất đơn giản. Bệnh có rất nhiều nguyên nhân, thường xảy ra ở những người hút thuốc, người béo phì, ít vận động và chế độ ăn nhiều muối là nguyên nhân gây tăng huyết áp.

Đây là bệnh mãn tính, không lây nhiễm, đã mắc thì phải quản lý, điều trị suốt đời. Tuy nhiên, tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh.

Chế độ ăn hợp lý theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, gồm: Ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no.

Duy trì cân nặng hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ rất quan trọng để dự phòng tăng huyết áp. Cùng đó, không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu cũng được đề cập đến như là biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Người dân cần tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. “Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình” là khuyến cáo cộng đồng quen thuộc của chuyên gia tim mạch.

Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Để góp phần giải quyết một cách hiệu quả những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này, năm 2015, Thủ tướng  ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp quan trọng để dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.

Bên cạnh giải pháp phòng chống các yếu tố nguy cơ phổ biến, Chiến lược nhấn mạnh một giải pháp quan trọng là phát triển hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và lồng ghép quản lý bệnh liên tục, lâu dài tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm: can thiệp thay đổi hành vi nguy cơ; dự phòng các tình trạng tiền bệnh và nguy cơ cao; phát hiện sớm, quản lý người có nguy cơ tim mạch, quản lý lồng ghép đối với các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường....

Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam, đặt mục tiêu tới năm 2030, 100% trạm y tế cấp xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm phổ biến (trong đó có tăng huyết áp); tăng tỷ lệ người dân phát hiện tăng huyết áp từ 50% (năm 2025) lên 70% (năm 2030), cùng đó, tỷ lệ quản lý tăng huyết áp cũng tăng từ 25% lên trên 40%.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn