Video: Xử lý những kẻ biến Vành đai 3 Hà Nội thành chốn vô luật pháp
Những ngày giáp Tết, trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3 trên cao xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, ô tô nối đuôi nhau xếp thành hàng dài. Để thoát cảnh kẹt xe, hàng chục ô tô vô tư đánh lái đi vào làn khẩn cấp, cướp làn đường vốn chỉ dành cho xe gặp sự cố tấp vào và dừng lại hoặc những xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ như cứu thương, cứu hỏa, công an...
Nhiều tài xế lợi dụng đoạn đường không có camera giám sát để chạy vào làn khẩn cấp. Tới đoạn có camera hoặc lực lượng chức năng kiểm soát, các tài xế thường tạt đầu, chèn ép các phương tiện khác để quay lại làn di chuyển của mình. Không ít trường hợp xung đột, va chạm đã xảy ra vì những hành động này.
Nguy hiểm hơn, nhiều người lái xe máy cũng bất chấp sự an toàn, chạy xe lên đường trên cao (cấm xe máy) để tránh tắc đường.
Ngày 5/2, trả lời VTC News về kết quả xử lý xe chạy vào làn khẩn cấp ở đường Vành đai 3 trên cao, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6, Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 1.074 trường hợp.
"Trong đó, phát hiện và xử lý trực tiếp 647 ô tô và xe máy với tổng số tiền phạt 2,505 tỷ đồng, tạm giữ 292 xe máy. Ngoài ra, thông qua phản ánh của người dân qua mạng xã hội Zalo, các lực lượng đã phạt nguội 400 trường hợp với số tiền 2 tỷ đồng", chỉ huy Đội CSGT đường bộ số 6 thông tin.
Trước đó, trả lời VTC News vào cuối tháng 12/2023, Thiếu tá Lê Văn Đông, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6, cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và bố trí các tổ tuần tra, kiểm soát thường xuyên ra quân xử lý nhưng ý thức của người dân chưa cao nên vẫn xảy ra vi phạm.
Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 3 trên cao dài, lực lượng mỏng nên lực lượng chức năng không thể xử lý hết được.
"Ngày nào chúng tôi cũng xử lý nhưng không thể xử lý được hết, trừ khi cắm chốt 24/24. Khi vắng mặt lực lượng chức năng, họ vẫn cố tình lách lên đường Vành đai 3 trên cao", Thiếu tá Đông nói.
Cùng quan điểm trên, một cán bộ CSGT phụ trách đường Vành đai 3 trên cao cho rằng, do tuyến đường nhiều điểm lên, xuống nên việc kiểm soát rất khó, hơn nữa không thể bố trí CSGT trực 24/24 trên đường Vành đai 3 được.
"Mặc dù có biển cấm, họ vẫn cố tình đi lên đường Vành đai 3 trên cao, một phần trong số họ là người dân thiếu ý thức, còn lại là tài xế xe ôm chở, đón khách trên tuyến đường này", cán bộ CSGT nói.
Vị này đề xuất giải pháp tăng cường lắp đặt hệ thống quan sát và giám sát xử phạt. Tuy vậy, xe máy vi phạm cần phải định danh, nếu xe đó sang tên đổi chủ nhiều lần sẽ khó xử phạt.
Theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019 của Chính phủ (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021 của Chính phủ), người điều khiển ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên tới 15 năm tù.
Bình luận