Xử lý những kẻ biến vành đai 3 Hà Nội thành chốn vô luật pháp
Tình trạng ô tô đón trả khách, xe máy ngang nhiên phi lên đường Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Thực tế ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe máy xảy ra trên tuyến đường cấm hoàn toàn xe mô tô và xe thô sơ này.
Mới đây nhất, lúc 23h40 ngày 22/12, ô tô đầu kéo mang BKS 90C, kéo theo rơ-moóc đi trên đường Vành đai 3 trên cao, đến đoạn qua tòa nhà Keangnam thì xe bị hỏng nên tài xế đỗ phương tiện vào bên phải đường để sửa chữa. Tài xế cũng đặt biển, bật xi nhan cảnh báo.
Sau đó, anh D.A.T. (SN 1987, quê Bắc Giang) lái xe máy đi lên đường Vành đai 3 trên cao rồi đâm vào đuôi xe đầu kéo. Cú va chạm mạnh khiến anh T. tử vong tại chỗ.
Trước đó, rạng sáng 14/12, nam tài xế quê Thái Bình lái ô tô đi trên cầu Thăng Long, theo hướng huyện Đông Anh sang đường Phạm Văn Đồng. Khi đi đến lối xuống Tân Xuân (quận Bắc Từ Liêm), ô tô của anh B. va chạm với 2 xe máy cố tình đi vào đường cao tốc chỉ dành cho ô tô.
Cú tông khiến ô tô con bị biến dạng và lật ngửa, 2 xe máy hư hỏng nằm ven đường, nhiều đèn tín hiệu giao thông bị gãy đổ. Rất may, các nạn nhân chỉ trầy xước nhẹ, không bị thương tích nặng.
Nguyên nhân của cả 2 vụ việc trên đều do lỗi xe máy đi vào đường cấm.
Mặc dù tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhưng hàng ngày không khó để bắt gặp cảnh xe máy vẫn vô tư lao lên đường Vành đai 3 trên cao, xe khách thì bất chấp dừng, đỗ trả khách trên tuyến đường này.
Vì sao không lắp camera phạt nguội?
Cuối năm 2022, đại diện Cục CSGT cho hay, việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn tuyến Vành đai 3 đang được khảo sát và sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VTC News, đến thời điểm hiện tại, hệ thống camera phạt nguội trên các tuyến vành đai vẫn chưa hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến giám sát, điều tiết giao thông và xử lý vi phạm.
Trả lời PV VTC News, đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị thường xuyên ra quân xử lý nhưng do ý thức của người dân chưa cao. Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 3 trên cao dài, lực lượng mỏng nên không thể xử lý hết được.
"Ngày nào chúng tôi cũng xử lý nhưng không thể xử lý được hết, trừ khi cắm chốt 24/24. Khi vắng mặt lực lượng là người dân sẽ đi xe máy lên. Như vụ ô tô tông xe máy hôm 14/12, lúc đó xe máy đi lên đường Vành đai 3 trên cao lúc 4h sáng", đại diện Đội CSGT số 3 cho hay.
Cùng quan điểm trên, một cán bộ CSGT phụ trách địa bàn đường Vành đai 3 trên cao cho rằng, do tuyến đường nhiều điểm lên, xuống nên việc kiểm soát rất khó, hơn nữa không thể bố trí CSGT trực 24/24 trên đường Vành đai 3 được.
"Mặc dù có biển cấm, họ vẫn cố tình lách lên đường Vành đai 3 trên cao, một phần trong số họ là người dân thiếu ý thức, còn lại là tài xế xe ôm chở, đón khách trên tuyến đường này", cán bộ CSGT cho hay.
Vị này cũng đề xuất giải pháp tăng cường lắp đặt hệ thống quan sát và giám sát xử phạt. Tuy vậy, xe máy vi phạm cần phải định danh, nếu xe đó sang tên đổi chủ nhiều lần sẽ khó xử phạt hơn.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội - cũng đề cao việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử phạt các vi phạm trên đường Vành đai 3 trên cao.
Ông Quỹ nhấn mạnh, khi nguồn nhân lực duy trì trật tự an toàn giao thông trên tuyến rất mỏng thì camera là nguồn hỗ trợ đắc lực trong giám sát, xử lý vi phạm thông qua phạt nguội.
Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho hay, tuyến Vành đai 3 trên cao hiện chưa có hệ thống camera và chỉ đang ở giai đoạn khảo sát, đề xuất lắp đặt nên cần phải đẩy nhanh công tác này.
“Lắp đặt để phục vụ cho việc giám sát giao thông, giám sát an ninh trật tự, phục vụ lợi ích của Nhân dân nên cần làm nhanh nhất có thể”, ông Quỹ nhấn mạnh và cho rằng cần gắn trách nhiệm của CSGT vào việc sử dụng, bảo dưỡng tránh khi áp dụng một thời gian nhưng vi phạm vẫn tái diễn với lý do thiết bị giám sát hư hỏng.
Về việc lắp camera phạt nguội xe ôm cố tình đi lên đường cao tốc đón trả khách, ông cho rằng công tác định danh biển số xe máy theo Đề án 06 sẽ phát huy tác dụng.
“Khi việc định danh được hoàn tất và thông tin phương tiện được cập nhật lên ứng dụng VNEID cũng như cổng dịch vụ công trực tuyến, việc truy tìm và xử phạt người vi phạm giao thông sẽ trở nên cực kỳ đơn giản và chính xác. Khi đó, lực lượng CSGT cũng không phải chia nhỏ ra chặn bắt ngoài đường, vừa nguy hiểm, vừa không đủ nhân sự, dễ để lọt vi phạm”, ông Quỹ nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ kiến nghị sớm lắp đặt camera giám sát trên tuyến Vành đai 3 trên cao và hoàn thành định danh biển số xe máy sẽ hạn chế được đáng kể tình trạng ô tô đón trả khách, đi vào làn khẩn cấp, xe máy cướp đường ô tô… như thời gian qua.
Phạt mạnh tay như nồng độ cồn
Liên quan vấn đề trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, xe máy cố tình đi vào đường Vành đai 3 trên cao hay đường Vành đai 2 cần phải xử lý, không thể theo duy "xe lớn đền xe bé".
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, trong giờ cao điểm lực lượng chức năng cần tăng cường quân số trực chốt, có hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn với những phương tiện cố tình vi phạm.
"Những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng xe máy vi phạm đi vào đường cấm có thể lắp camera và thực hiện xử phạt nguội thì người dân sẽ sợ và vi phạm ít hơn", TS Thuỷ nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, hiện tượng ô tô đón trả khách, xe ôm đi vào Vành đai 3 trên cao diễn ra từ lâu, đã thành câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Nhận định do xe khách liên tỉnh thường xuyên dừng đỗ đón trả nên xuất hiện một số xe ôm sẵn sàng chạy lên đoạn đường này để kiếm khách, thậm chí là chạy ngược chiều, tuy nhiên theo ông Tạo, đây không phải là vấn đề “có cung ắt có cầu”.
“Rõ ràng cả 2 chủ thể xe khách và xe ôm đều vi phạm nghiêm trọng luật an toàn giao thông đường bộ”, vị chuyên gia nói.
Bày tỏ sự đồng cảm với cơ quan chức năng khi chưa thể xử lý dứt điểm thực trạng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông này, TS Khương Kim Tạo cho rằng, với mật độ giao thông dày đặc, hạ tầng chưa đảm bảo, CSGT luôn phải căng mình, dàn trải khắp các nẻo đường để điều tiết, xử lý vi phạm, dẹp được chỗ vi phạm này lại xuất hiện chỗ vi phạm mới.
“Tuy nhiên với những vi phạm kéo dài thì không có cách nào khác phải duy trì xử lý với tinh thần quyết liệt, lâu dài. Ví dụ như các chiến dịch xử phạt nồng độ cồn, xe quá tải đạt được kết quả vô cùng tích cực. Điều này cho thấy phải kiên trì, xử phạt liên tục mới có thể chấm dứt”, ông Tạo nêu ý kiến.
Vị chuyên gia giao thông kiến nghị UBND, Công an TP Hà Nội cần có kế hoạch bài bản, tăng cường thêm các lực lượng như cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động phối hợp cùng CSGT xử phạt.
Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng, không thể mãi trông chờ vào ý thức của người tham gia giao thông tự nâng cao. Thay vào đó, để cải thiện ý thức của lái xe thì pháp luật phải nghiêm minh hơn.
“Ý thức không phải tự nhiên có mà được hình thành qua môi trường giáo dục, được tạo thành thói quen nhờ sự nghiêm khắc của pháp luật. Cụ thể là tăng mức xử phạt với những hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, tăng đến mức mà chỉ cần nghĩ đến số tiền là họ sẽ sợ. Như việc chỉ cần uống chén rượu thì anh lái xe ô tô có thể bị phạt đến hàng chục triệu đồng”, ông Liên nói.
Dẫn Nghị định 100 quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy đi vào cao tốc, theo ông Liên cần tăng mức phạt và bổ sung hình thức thu giữ phương tiện, tước bằng lái xe.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lý giải, đi xe máy vào cao tốc là hành vi đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao về tính mạng và pháp lý, việc tăng nặng hình thức xử phạt là xác đáng và rất cần thiết.
“Việc xử phạt mạnh tay là một cách giúp họ thay đổi tư duy về nghề nghiệp và giao thông”, ông Liên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Liên, để tránh bỏ sót vi phạm dẫn đến nhờn luật, cần gắn thêm nhiều camera giám sát dọc các trục giao thông. Đây là căn cứ để xử phạt nguội những vi phạm với cả người đi xe máy chứ không chỉ riêng ô tô.
Bình luận