• Zalo

Hôm nay, Ủy ban châu Âu sang Việt Nam, bắt đầu kiểm tra gỡ 'thẻ vàng' IUU

Đầu TưThứ Ba, 10/10/2023 06:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Từ ngày 10-18/10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đây là lần thứ tư EC làm việc với Việt Nam về việc triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), kể từ khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU năm 2017.

Mục tiêu chuyến làm việc của EC lần này sẽ tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Dự kiến, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật từ ngày 10 - 17/10. Cụ thể, ngày 10/10, đoàn sẽ đến Việt Nam.

Ngày 11 - 15/10, đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.

Ngày 16 - 17/10, sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.

Ngày 18/10, Đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN&PTNT.

Đoàn thanh tra EC sẽ tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển. (Ảnh minh họa: Thanh Ba)

Đoàn thanh tra EC sẽ tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển. (Ảnh minh họa: Thanh Ba)

Bộ NN&PTNT cho biết, kể từ tháng 11/2022 đến nay, Việt Nam đã tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, nhằm được gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật.

Bộ cũng cho biết đã đề rõ các mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.

Tuy vậy, Bộ nhấn mạnh, việc chuyển đổi một ngành đánh cá từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 5 năm bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU, quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực và kết quả khả quan. Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo đầy đủ các quy định, chế tài để các địa phương thực thi chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản được thực hiện nghiêm túc. Tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài đã giảm rất nhiều so với thời gian trước đây. 

EC cho biết, sẽ "có khung pháp lý rõ ràng" và mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU sớm nhất có thể.

Việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì Liên minh châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 11 tỷ USD năm 2022, thị trường EU đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn