• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Vì sao gần 6 năm, Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng IUU?

Thị trườngThứ Ba, 15/08/2023 18:35:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về việc gỡ "thẻ vàng" IUU của EC với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.

Sau gần 6 năm Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" (từ 23/10/2017) với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam có sự cải thiện tích cực. Dự kiến từ nay đến tháng 10/2023, EC sẽ sang Việt Nam giám sát, kiểm tra lần thứ tư.

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu rõ, thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này.

"Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết 5 giải pháp mà Bộ đề ra đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa? Và Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ tư của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 tới không?", đại biểu hỏi.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An cho biết), báo cáo giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ rõ, khung pháp lý của Việt Nam về IUU chưa cụ thể, khó thực hiện…Tuy nhiên trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nêu ra được nhóm giải pháp riêng cho vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ, khung pháp lý của Việt Nam còn những vướng mắc gì và giải pháp, hướng khắc phục trong thời gian tới?

Trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. (Ảnh minh họa)

Trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. (Ảnh minh họa)

Trả lời những chất vấn trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, các điều kiện thực thi gỡ thẻ vàng tuy khó nhưng vẫn phải làm, Bộ sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm quy định, trong đó có quy định tại Luật Thủy sản, có như vậy mới có hiệu quả trong thực tế. 

Theo ông Hoan, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác. Ông kể lại đại diện quỹ EU từng hỏi ông 2 câu: “Nếu chúng tôi không áp đặt thẻ vàng mà các ông khai thác kiệt quệ tài nguyên thì ai là người thiệt thòi, Việt Nam hay EU? Các ông có công bằng không khi người vi phạm và không vi phạm lại như nhau?”.

Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. 

Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng. Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

Trước đó, theo Bộ Công Thương, trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. Song EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam là do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài.

Ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".

Chính phủ Việt Nam giữ vững quan điểm rằng việc ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các ngành, địa phương phải quyết liệt ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023; thống nhất nhận thức, hành động và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Đến tháng 5/2023, từng địa phương phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn