Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết thiên thạch có tên Florence này đi qua vị trí có khoảng cách 7 triệu km so với Trái Đất.
Tuy hàng triệu km có thể là khoảng cách khổng lồ nhưng khi so sánh với mức độ vô tận của vũ trụ thì đây là con số nhỏ. Kênh CNN (Mỹ) cho biết đã có nhiều thiên thạch bay ngang qua sát Trái Đất nhưng chưa thể đạt tầm kích thước của Florence.
Ông Paul Chodas tại Trung tâm nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất của NASA khẳng định: “Florence là thiên thạch lớn nhất đi ngang qua hành tinh của chúng ta kể từ khi chương trình theo dõi và phát hiện các thiên thể gần Trái Đất của NASA được khởi động”.
Nhưng ông Chodas cũng nhấn mạnh rằng Florence không phải là mối đe dọa.
Các nhà khoa học khẳng định rằng Florence là cơ hội lớn cho việc nghiên cứu. Bất cứ thiên thạch nào có kích thước lớn hơn 1 đến 2 km đều có thể gây ảnh hưởng trên toàn thế giới nếu va chạm với Trái Đất, do vậy các nhà khoa học sẽ tận dụng nghiên cứu Florence khi thiên thạch này đi ngang qua.
Thiên thạch Florence được phát hiện tại đài quan sát Siding Spring ở Australia trong tháng 3/1981 và được đặt tên để vinh danh Florence Nightingale, người phụ nữ sáng lập ngành điều dưỡng hiện đại.
Đây sẽ là lần đi ngang qua Trái Đất ở khoảng cách gần nhất của Florence kể từ năm 1890.
Video: Đường di chuyển của thiên thạch Florence
NASA cho biết hàng năm thường có một thiên thạch có kích cỡ tương đương chiếc xe ô tô xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất và tạo ra quả cầu lửa lớn, tuy nhiên chúng thường không gây ra thiệt hại. Nhưng vào tháng 2/2013, một thiên thạch kích cỡ 18m đã phát nổ tại vị trí cách mặt đất 23,3 km ở Chelyabinsk, Nga khiến cửa kính nhiều tòa nhà vỡ và hàng trăm người bị thương.
Theo ông Chodas, thiên thạch mang mối đe dọa lớn nhất với Trái Đất hiện nay là 1950 DA có thể đến Hành Tinh xanh trong năm 2880. 1950 DA rộng 1,3km và có tỉ lệ va chạm với Trái Đất là 1 trên 8.000.
Ngày 30/6 vừa qua, NASA công kế hoạch để chuyển hướng những thiên thạch có nguy cơ va chạm với Trái Đất.
Bình luận