Hôm nay (4/10), hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó nội dung được chú ý là đề án về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chuẩn bị cho đề án này, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức nhiều hội thảo ở nhiều vùng, miền, tới những tổ chức mà bản thân vị trí của nó chưa thực sự rõ về chức năng, nhiệm vụ, chưa phát huy hiệu quả trong tham mưu, lãnh đạo. Nhiều vấn đề được đặt ra, chẳng hạn như sự cần thiết của ba ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên. Các BCĐ này có tổ chức tương đương cấp bộ, ra đời trong hoàn cảnh nhất định, đến nay nếu thấy không còn cần thiết thì có thể tính toán sắp xếp lại hợp lý hơn.
Quá trình thảo luận cũng bàn về sự cần thiết của BCĐ Cải cách tư pháp cũng như văn phòng thường trực của nó. Cấu trúc này gắn nhiều với việc triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Nhiệm kỳ vừa qua, BCĐ đã có những đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, ban hành các luật liên quan đến các cơ quan tố tụng. Nay thể chế đã được hoàn thiện một bước, cơ quan thường trực của BCĐ có thể được tính toán nhập vào một đầu mối phù hợp hơn, chẳng hạn như Ban Nội chính Trung ương.
Video: Quốc hội nên "đóng cửa" hay "mở cửa" với báo chí?
Vai trò, nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu tổ chức của Đảng ủy khối cơ quan trung ương và Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương cũng được nghiên cứu, mổ xẻ, hoàn thiện trong sự đồng bộ với mô hình tổ chức đảng ở Chính phủ và các bộ, cơ quan Chính phủ.
Trung ương cũng sẽ thảo luận đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Với gần 60.000 tổ chức, khu vực đang nắm giữ nguồn nhân lực lớn, có tri thức khoa học, công nghệ, chi tiêu nhiều ngân sách nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Đề án do Ban cán sự đảng Chính phủ được chuẩn bị kỹ lưỡng theo hướng đẩy mạnh tự chủ tài chính, giảm biên chế, tự trang trải, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho xã hội hóa.
Một đề án có liên quan khác là về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung này gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn và chức năng quản lý nhà nước.
Có tính chất một hội nghị gần giữa nhiệm kỳ, Trung ương 6 còn thảo luận các chính sách lớn về xã hội. Cụ thể, Trung ương sẽ thảo luận đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới. Đây sẽ là những nhận thức mới sau 23 năm thực hiện một nghị quyết tương tự.
Ngoài các đề án chứa đựng chính sách lớn nêu trên, Hội nghị Trung ương 6 còn có một số nội dung khác liên quan đến công tác nhân sự. Chẳng hạn, việc quyết định hình thức kỷ luật với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thống nhất đề nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Trung ương quyết định theo thẩm quyền.
Bình luận