Sau Italia, Tây Ban Nha, Ngoại hạng Anh sẽ là đích nhắm tiếp theo của giới đại gia Trung Quốc.
Chi hàng tỷ USD mua cổ phần
Trong chuyến thăm nước Anh vào tháng 10 năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành thời gian đến thăm sân tập của Manchester City, chụp hình selfie với Thủ tướng Anh David Cameron và tiền đạo Sergio Aguero. Tấm hình xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc ngay sau đó và lập tức gây chú ý đến giới doanh nhân giàu có ở nước này.
Kể từ đó, các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD mua cổ phần các CLB bóng đá, các công ty nắm bản quyền truyền hình và những công ty khác liên quan đến thể thao. Ông Tập không giấu diếm tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá, tổ chức World Cup và vô địch World Cup.
Hôm qua, thêm một tin nữa là các tập đoàn đầu tư Trung Quốc Everbright, PCP Capital Partners, China Investment Corporation kết hợp với nhau nhằm mua cổ phần của CLB Liverpool.
Họ định giá CLB này 700 triệu bảng Anh. Năm 2010, tập đoàn Mỹ Fenway Sports Group của Mỹ mua Liverpool với giá 300 triệu bảng. Fenway, đứng đầu là chủ tịch Tom Werner cho biết họ sẽ không bán toàn bộ Liverpool nhưng khả năng bán thiểu số cổ phần là hoàn toàn mở ngỏ.
Trước đó, người Trung Quốc đã xuất hiện ở nhiều CLB bóng đá châu Âu, từ một số tên tuổi khá khiêm tốn như West Brom, Aston Villa, Wolverhampton, Birmingham và sắp thêm Hull (Anh), Auxerre, Sochaux (Pháp), Slavia Prague (CH Czech), ADO Den Haag (Hà Lan) đến những tên tuổi hàng đầu như Inter Milan, AC Milan, Atletico Madrid, Manchester City.
“Các CLB bóng đá là những tài sản có giá trị”, Feng Xin, tổng giám đốc công ty Baofeng nhận xét. Baofeng là công ty chuyên về các dịch vụ giá trị gia tăng internet cùng với Everbright mua đa số cổ phiếu của hãng chuyên đấu thầu bản quyền truyền hình bóng đá MP & Silva đặt đại bản doanh tại Ý. “Giống như những người Nga và Trung Đông mua các CLB trước kia, giờ đến người Trung Quốc có nhiều tiền và quan tâm đến các CLB bóng đá hơn”, Feng Xin nói.
Không lâu sau chuyến thăm của ông Tập đến Manchester City, một nhóm thương gia Trung Quốc dẫn đầu bởi các quỹ tài chính China Media Capital, Citic Capital trả 400 triệu USD để có 13% cổ phần trong tập đoàn City Football Group, công ty mẹ của các CLB Manchester City, New York City, Melbourne City, Yokohama Marinos thuộc sở hữu của hoàng thân Mansour bin Zayed al Nahyan xứ Abu Dhabi.
Tháng 6/2016, tập đoàn bán lẻ Suning Holdings chi 270 triệu euro để có 70% cổ phần của Inter Milan. Một tháng sau, ông Silvio Berlusconi kết thúc 3 thập kỷ gắn với bóng đá bằng tuyên bố bán 99,93% cổ phần của AC Milan cho một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc. Milan được định giá 740 triệu euro, bao gồm cả khoản nợ 220 triệu euro. Theo thỏa thuận, nhóm này sẽ đầu tư vào đội hình Milan 350 triệu euro trong vòng 3 mùa bóng tới.
Người giàu số 1 Trung Quốc với khối tài sản 33,3 tỷ USD là Wang Jianlin, chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda Group cũng có tên trong lĩnh vực bóng đá khi bỏ 52 triệu USD để mua 20% cổ phần của Atletico Madrid.
Nâng tầm Chinese League
Trong khi đó, các CLB ở Trung Quốc với sự chống lưng của các nhà tài phiệt đang nỗ lực từng ngày để biến Chinese Premier League trở thành giải đấu đáng xem. Riêng trong kỳ chuyển nhượng cầu thủ mùa Đông tháng 1/2016, các CLB Trung Quốc chi 337 triệu euro để mua cầu thủ, vượt Premier League (253 triệu euro), Serie A (87), Bundesliga (52), La Liga (36), Ligue 1 (35).
Họ không ngần ngại bỏ ra những khoản tiền rất lớn để chiêu mộ những cầu thủ chưa phải là đẳng cấp hàng đầu. CLB Jiangsu Suning mua tiền đạo Alex Teixeira giá 50 triệu euro và tiền vệ Ramires giá 28 triệu euro, Guangzhou Evergrande mua Jackson Martinez với giá 42 triệu euro.
Mới đây, Ủy ban định giá tài sản quốc gia Trung Quốc định giá CLB Guangzhou Evergrande là 3,35 tỷ USD, còn lớn hơn của Real Madrid (3,26) và Manchester United (2,35).
Không biết định giá kiểu gì chứ năm 2014, Guangzhou Evergrande bán 50% cổ phần cho tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma chỉ với giá 192 triệu USD. Nửa đầu năm 2015, Guangzhou Evergrande báo lỗ 78,5 triệu USD, tiền bán vé và quảng cáo không đủ cho các chi phí đang tăng cao của đội bóng. Nhưng có Alibaba, họ không lo lắng nhiều về chuyện tiền bạc.
Theo tạp chí Forbes USA, các tỉ phú và tập đoàn nhảy vào công nghiệp thể thao nhiều vì chính phủ muốn thế: họ muốn tài sản trong lĩnh vực này ở trong và ngoài nước phải vươn tới con số 800 tỷ USD, tức là bằng 1% GDP Trung Quốc. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đang hoàn thành mục tiêu phải có 20.000 trường bóng đá vào cuối năm 2017 và có 50.000 trường bóng đá vào năm 2025.
Trung Quốc đã nhảy lên dẫn đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, để rồi xem họ có làm điều tương tự với bóng đá hay không.
Bình luận