• Zalo

Hội Luật gia Việt Nam: Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế

Thời sựThứ Sáu, 09/05/2014 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hội Luật gia Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

(VTC News) - Hội Luật gia Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982.

Chiều 9/5, Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi bảo vệ luật pháp quốc tế
Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là thành viên.

Hành động này cũng đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các thành viên Asean.
 Hội Luật gia tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam (Ảnh: Hà Minh)
Đồng thời, hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng là đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định khu vực Biển Đông.
Theo quan điểm của Hội Luật gia Việt Nam, việc Trung Quốc cho rằng đây là “hoạt động tác nghiệp bình thường” và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác. 
Trong khi đó Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào công nhận.
Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết dàn khoan HD – 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982. Theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có "sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”.

Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Yêu cầu Việt Nam rút tàu thuyền là hết sức vô lý!
Tại buổi họp báo, luật sư Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ khẳng định: “Việt Nam không phải rút tàu trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc. Việc yêu cầu Việt Nam rút hết tàu thuyền ra khỏi khu vực mà Trung Quốc đặt gìàn khoan là hết sức vô lý, bất bình thường”. 
Theo luật sư Trục, vị trí giàn khoan cách đảo Lý Sơn khoảng 100 hải lý, cách ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế 80 hải lý nên đây không phải là vùng chồng lấn. Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên tàu thuyền xuất hiện tại đó là bình thường. Chắc chắn Việt Nam sẽ không làm theo điều vô lý như vậy".
 Luật sư Trần Công Trục phản đối việc Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút hết tàu thuyền khỏi khu vực mà nước này đang đặt dàn khoan (Ảnh: Hà Minh)
Trước câu hỏi của PV về xử sự của Việt Nam trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, Luật sư Nguyễn Công Trục cho biết, căn cứ Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, với các quy định cho phép các quốc gia ven biển mở rộng vùng biển thì đây hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Luật sư Trục nhận định, Trung Quốc đang lợi dụng Công ước về luật biển để biến những vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp với mục đích chiếm biển Đông. Trước vấn đề này, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa những vấn đề này lên cơ quan tài phán giải quyết. 
“Chúng ta nên nhớ rằng, Philippines cũng đã đệ trình lên các cơ quan tài phán quốc tế, việc làm đó của họ đã đạt được sự đồng tình ủng hộ của các nước. Nên Việc Nam sẵn sàng đưa vấn đề này lên các cơ quan tài phán. Đây là việc làm bình thường, đúng đắn, văn minh trong một xã hội hiện đại hiện nay” luật sư Trục nhấn mạnh.

Video Mỹ điều tra việc lắp đặt giàn khoan của TQ vào vùng biển VN:

VTC14

Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn