Hôm 4/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố, nhấn mạnh “sự cần thiết phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền".
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc quân đội Myanmar áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia ở đất nước này.
Hội đồng là cơ quan chính trị quan trọng nhất của Liên hiệp quốc, gồm 5 thành viên thường trực Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, cùng 10 thành viên không thường trực, trong đó có Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2021).
Reuters cho biết, ngôn ngữ trong tuyên bố của Hội đồng Bảo an dường như nhẹ nhàng hơn so với dự thảo ban đầu do Anh đề xuất.
Người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho biết, Bắc Kinh hy vọng những thông điệp quan trọng từ tuyên bố của Hội đồng Bảo an "sẽ được tất cả các bên lắng nghe, và dẫn đến một kết quả tích cực".
Hôm 3/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam kết huy động sức ép quốc tế để gây áp lực với quân đội Myanmar. Trước đó, Đặc phái viên của tổ chức này về Myanmar kịch liệt lên án vụ đảo chính quân sự ở nước này.
Hôm 1/2, trong cuộc đảo chính ở Myanmar, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị bắt và đang bị quản thúc tại thủ đô Naypyidaw. Cảnh sát cáo buộc bà Suu Kyi nhập trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giữ cho đến ngày 15/2 để điều tra.
Bình luận