“Các giả thuyết liên quan đến điều đó đều không đúng. Là quốc gia láng giềng thân thiện của Myanmar, chúng tôi mong muốn rằng tất cả các bên ở Myanmar có thể giải quyết những khác biệt của họ một cách thích hợp, duy trì ổn định chính trị và xã hội”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tháng trước đến thăm Myanmar và tiếp xúc với các quan chức bao gồm cả quan chức quân đội của nước này, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu cuộc đảo chính hôm 1/2.
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh đạo nhà nước Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2020 ở Myanmar. Quân đội Myanmar cáo buộc chính phủ tiến hành cuộc bầu cử một cách gian lận.
Tổng Tư lệnh Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing khẳng định việc quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi là không thể tránh khỏi. "Đây là điều không thể tránh khỏi đối với đất nước và đó là lý do chúng tôi phải lựa chọn", ông Hlaing nói trong cuộc họp nội các hôm 2/2.
Nhiều nước trên thế giới lên tiếng về cuộc đảo chính ở Myanmar.
Nhật Bản hối thúc Myanmar duy trì nền dân chủ và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar.
Chính phủ Australia bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bị bắt giữ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết ông “kịch liệt lên án” vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo chính trị khác của Myanmar. Ông Guterres đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar “tôn trọng ý nguyện của người dân”.
Bình luận