• Zalo

Hôi của man rợ: Sao chính quyền lại để xảy ra như thế?

Thời sựThứ Tư, 12/02/2014 07:37:00 +07:00Google News

(VTC News) -  ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền, tổ chức đoàn thể các địa phương để xảy ra những vụ hôi của man rợ gần đây.

Gần đây tại Việt Nam xảy ra nhiều vụ hôi của man rợ. Trước những ý kiến khác nhau của người dân về chuyện này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

- Ông bà ta thường dạy con cháu “đói cho sạch, rách cho thơm”. Qua những vụ hôi của man rợ xảy ra gần đây, nhiều người cho rằng truyền thống tốt đẹp đó đang bị mất đi. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Nhắc đến những vụ hôi của gần đây, tôi liên tưởng ngay tới vụ hôi bia ở Biên Hòa (Đồng Nai). Khi xe chở bia bị lật, một số bà con đã tranh thủ hôi của. Sau đó dư luận và báo chí cũng đã lên án hành động trên khiến nhiều người trong số đó phải tự nguyện mang trả lại bia.

Cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã tiến hành khởi tố vụ án đó. Như vậy có thể thấy đây không phải lần đầu người ta chen nhau hôi của mà chuyện này đã xảy ra nhiều lần trước đó. Dư luận và báo chí đã kịch liệt lên án, thế nhưng rất tiếc sự việc tương tự vẫn tái diễn.

Trước sự việc này, tôi cho rằng chính quyền địa phương, các đoàn thể ở nơi xảy ra vụ việc phải có suy nghĩ: Tại sao lại để cho dân mình có cách ứng xử rất phản cảm như thế? Ở đâu cũng có chính quyền, đoàn thể, nhưng việc vận động, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật của người dân như thế nào mà lại để xảy ra những việc đáng tiếc như thế?

Với những người trong cuộc, tôi cho rằng họ nên xem lại để có cách ứng xử sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực. Rõ ràng hôi của là hành vi rất không đẹp về mặt đạo đức. Về mặt pháp luật, đó là việc phải bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.

- Phải chăng người ta chưa nắm được thông tin về cái giá phải trả khi tham gia hôi của nên mới hành động như vậy?

Tôi nghĩ bây giờ báo chí rất rộng rãi và có nhiều phương tiện truyền thông đại chúng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Trong số những người này có thể có những người không nắm được thông tin về việc xử lý vụ hôi bia ở Đồng Nai, nhưng không nắm được thông tin không có nghĩa là họ được hành động như vậy.

Và tôi tin chắc rằng không phải họ không có thông tin do điều kiện báo chí của chúng ta chưa đến được. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại trách nhiệm của các đoàn thể, chính quyền địa phương.
Chúng ta có rất nhiều tổ chức đoàn thể, quần chúng, ví dụ như Hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Trong các sinh hoạt đoàn thể, hội viên có thể không được tiếp cận hoặc không quan tâm lắm tới các thông tin trên báo chí, nhưng cán bộ hội phải có sự quan tâm và phổ biến tới các hội viên của mình.

- Có ý kiến cho rằng nhiều khi người ta biết, nhưng vẫn cố tình làm, thưa ông?

vụ hôi bia man rợ ở Đồng Nai

 Hình ảnh vụ hôi bia man rợ ở Đồng Nai

Tôi nghĩ khả năng là có những người như vậy. Tôi cho rằng đó là việc làm không tốt, không đẹp, cần phải phê phán để khi có sự cố tương tự xảy ra, hành động trên sẽ không tái diễn nữa. Đó là cách ứng xử không phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức và pháp luật.

 - Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng trong các vụ hôi của như thế nào?

Rõ ràng họ đã thiếu các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tích cực hơn hành động trên. Theo tôi, có 3 việc họ cần làm ngay khi sự cố trên xảy ra.
Một là phải nhanh chóng tìm cách thông tin cho những người ở đó biết về diễn biến của sự việc, sự cố cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong những tình huống như thế. Thay vì hôi của, họ nên giúp đỡ, hỗ trợ người gặp nạn.
Thứ hai là phải khoanh vùng để bảo vệ hiện trường.
Thứ ba là cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng cấp trên hoặc các vùng lân cận để bổ sung, hỗ trợ lực lượng. Còn có nhiều biện pháp tích cực khác nữa để ngăn chặn tình trạng hôi của.

- Một nhà văn hóa cho rằng nhân phẩm của người Việt đang đứng trước nguy cơ tồn vong. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ đánh giá thế thì hơi tiêu cực, nhưng rõ ràng các hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức trong xã hội đều có nguyên nhân của nó. Nếu mà nói nguyên nhân sâu xa thì phải kể tới cách giáo dục của chúng ta trong nhà trường, cách hành xử, ứng xử trong xã hội. Một nguyên nhân nữa là có thể có những hiện tượng vi phạm mà chúng ta xử lý chưa nghiêm nên mới thế.

Tôi không nghĩ nhân phẩm của người Việt đang đứng trước nguy cơ tồn vong vì tôi chứng kiến rất nhiều tấm gương đẹp, đáng khích lệ, quan tâm. Những người tốt đang tồn tại trong xã hội của chúng ta tôi nghĩ phải chiếm đa số.

- Xin cảm ơn ông!
Bình luận
vtcnews.vn